Hạ độ tuổi kết hôn của nam xuống bằng tuổi nữ, Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn mà không phải ra Toà án, cho phép các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo..., là những nội dung mới nhất của Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Chính phủ trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều qua.
Vẫn tranh cãi việc giải quyết “sự nhầm lẫn của tạo hóa”
Vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính được Chính phủ thừa nhận “đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam”. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.
Theo dự luật, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”; đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý thì không nên quy định “dở dang, nửa vời” như vậy. “Trước đây ta cấm, giờ thì không cấm cũng không thừa nhận, như vậy thì giải quyết hậu quả pháp lý của vấn đề như thế nào?. Luật pháp phải rõ ràng”, ông Lý nói và cho rằng “nên có tổng kết xem thực tế hiện nay ra sao, nhu cầu thế nào, và nếu cấm hay không cũng phải có cơ sở. Theo tôi thì nên thừa nhận hôn nhân đồng giới”.
Cho rằng, hôn nhân đồng giới là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện vẫn đề nghị nên bỏ quy định cấm kết hôn đồng tính nhưng “phải từng bước”. Ông Hiện ủng hộ phương án mà Chính phủ trình. “Trên thực tế người đồng tính vẫn có thể sống với nhau nhưng Nhà nước không chịu trách nhiệm về hậu quả pháp lý. Nếu có phát sinh về tranh chấp tài sản thì sẽ giải quyết theo luật dân sự”, ông Hiện nói.
Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng cũng tán thành vì theo ông quy định này nhằm đảm bảo quyền con người, nên có thời kỳ quá độ để thích ứng với nhận thức của số đông của xã hội, phù hợp phong tục tập quán của người Việt vì suy cho cùng “đó là sự nhầm lẫn của tạo hoá mà thôi”.
Có nên giao Uỷ ban giải quyết ly hôn?
Nói rõ hơn về quy định giao thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn cho cơ quan đăng ký hộ tịch, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới giao cho cơ quan hành chính (cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn) xác nhận ly hôn. “Giao cho Uỷ ban giải quyết ly hôn thay cho Toà án (có kèm theo 1 số điều kiện) là thuận tiện cho dân và đơn giản hoá về thủ tục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vấn đề này, Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định của dự thảo vì cho rằng các trường hợp ly hôn này không phức tạp, giao cho cơ quan đăng ký hộ tịch xác nhận sẽ đơn giản hóa thủ tục giải quyết ly hôn, tạo thuận lợi cho người dân và giảm tải cho cơ quan xét xử là Tòa án. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành với nhiều lý do, trong đó nếu quy định như dự thảo Luật sẽ bãi bỏ thủ tục hòa giải đối với trường hợp thuận tình ly hôn, trong khi đây cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp hàn gắn gia đình.
Việc giao thẩm quyền cho Tòa án nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, nhất là của phụ nữ và trẻ em, nếu thỏa thuận không phù hợp thì Tòa án có quyền quyết định. Thực tiễn thi hành Luật trong thời gian vừa qua cho thấy, thủ tục ly hôn tại Tòa án tương đối đơn giản, không gây khó khăn cho người dân, nhất là đối với trường hợp thuận tình ly hôn. Thường trực Ủy ban thống nhất với loại ý kiến thứ hai.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, vì đây là lần đầu tiên dự án trình ra Quốc hội với nhiều vấn đề rất mới, có nhiều ý kiến khác nhau, do đó nên tổ chức các hội nghị toạ đàm, điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước để giải trình thật thuyết phục trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.
Nam 18 tuổi được kết hôn Theo Luật HNGĐ hiện hành, nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên thì được kết hôn, tuy nhiên, dự thảo Luật đã “hạ” tuổi kết hôn của nam xuống còn 18 (bằng nữ) thì được kết hôn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì “Quy định độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình với quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế của Việt Nam về trẻ em và bình đẳng giới”.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, Thường trực Ủy ban đồng tình với quy định như dự thảo Luật vì cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. |