Chế định hội thẩm nhân dân là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên vai trò của đội ngũ này còn mờ nhạt do hạn chế trước hết từ…luật định.
Trong hệ thống pháp luật tố tụng hiện nay ở nước ta, chế định hội thẩm nhân dân là một trong những chế định bắt buộc, có tính quyết định đến các bản án sơ thẩm. Hầu hết bản án sơ thẩm đều yêu cầu phải có tối thiểu hai phần ba thành viên Hội đồng xét xử là các hội thẩm nhân dân.
Ở nước ta chế định hội thẩm xuất hiện cùng với sự ra đời của các Tòa án quân sự và tòa án nhân dân. Tính đến nay tổng số hội thẩm nhân dân TAND địa phương đã bầu được 15.630 người. Cùng với thẩm phán, hội thẩm nhân dân cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các phán quyết của mình.
Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, chế định hội thẩm đã bộc lộ nhiều bất cập, trước hết là sự chênh lệch về chuyên môn và nghiệp vụ giữa thẩm phán và hội thẩm.
Hội thẩm dù có trình độ chuyên môn riêng và được coi là “người đem hơi thở của cuộc sống, ý kiến của người dân vào trong quá trình phán quyết các bản án” nhưng còn hạn chế rất nhiều về trình độ pháp luật.
Trong khi pháp luật đòi hỏi thẩm phán phải có tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ thì tiêu chuẩn của hội thẩm qua nhiều năm vẫn .. y nguyên, chung chung kiểu “có kiến thức pháp lý” và “phải được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ”.
Hiện nay hội thẩm nhân dân còn chủ yếu là công việc kiêm nhiệm, cơ cấu hội thẩm theo từng lĩnh vực (như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tài chính, hưu trí…). Khi có các vụ án mà đương sự, bị cáo tại phiên tòa có liên quan đến các lĩnh vực nào, thì sẽ được mời đến tham gia nghiên cứu hồ sơ để xét xử.
Mặc dù đã có quy định trách nhiệm của hội thẩm nhân dân nhưng những quy định thực chất là hình thức và thiếu thực tiễn. Hội thẩm gần như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hành chính nào liên quan đến chất lượng xét xử.
Vì thế dù luôn chiếm đa số trong Hội đồng xét xử và các phán quyết của Hội đồng xét xử được quyết định theo đa số, nhưng trên thực tế không tránh khỏi khi xét xử các hội thẩm bị phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán.
Thực tiễn trong quá trình xét xử cho thấy, nếu có án oan sai, án bị sửa, thì chỉ có thẩm phán chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chánh án. Chính vì sự lỏng lẻo giữa cơ quan tòa án và hội thẩm nhân dân dẫn đến các hội thẩm chưa phát huy hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Khi tranh luận để nghị án, hội thẩm nhân dân thường là người yếu thế hơn thẩm phán trong việc xác định pháp luật áp dụng nên họ để các thẩm phán tự dẫn chiếu quy phạm và luật để áp dụng xét xử.
Theo ông Nguyễn Văn Thuân, Tòa án nhân dân tối cao, không nên quy định trình độ của các hội thẩm nhân dân quá thấp và chung chung nhưng cũng không nên quy định quá cao để tránh rơi vào tình trạng “chuyên môn hóa” hay “thẩm phán hóa” hội thẩm làm cho hoạt động xét xử mất dần đi tính chất xã hội rộng rãi của mình.
Cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn hội thẩm theo hướng quy định người được bầu hoặc cử làm hội thẩm cần phải có trình độ pháp lý nhất định, tối thiểu phải có bằng trung cấp pháp lý hoặc ít nhất phải qua một lớp bồi dưỡng về pháp luật từ ba đến sáu tháng.
Trong khi chưa sửa đổi được các quy định của pháp luật thì các cơ quan có liên quan cần phối hợp tốt hơn với tòa án trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cho hội thẩm, đặc biệt là tập huấn các văn bản pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật mới; tổ chức rút kinh nghiệm trong xét xử một số loại vụ án đặc thù...
Một vấn đề nữa cần được quan tâm đó là thiết lập cơ chế quản lý đối với các hội thẩm để tăng cường thực thi cơ chế trách nhiệm. Theo quy định hiện nay, tòa án chỉ quản lý hội thẩm trong thời gian họ nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử. Ngoài thời gian đó thì họ sinh hoạt tại cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc địa phương nơi họ sinh sống.
Mặc dù nhiều địa phương có thành lập Đoàn hội thẩm, nhưng chỉ mang tính chất tự nguyện để các hội thẩm nhóm họp, trao đổi các vấn đề về công tác hoặc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong khi đó, xét xử các loại vụ án là lĩnh vực nhạy cảm dễ bị sức ép, tác động và rất dễ phát sinh tiêu cực.
Do đó, theo quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp cần xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện tốt hơn việc quản lý, giám sát đối với hội thẩm từ việc thực thi nhiệm vụ cũng như bảo đảm các biện pháp bảo vệ họ và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết.