Lỗ hổng trong chống buôn lậu trên tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội

08:18, 10/09/2013

Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, bình quân mỗi năm, có khoảng hơn 30 nghìn tấn hàng tiêu dùng được nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh, trong đó, số lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường sắt chiếm hơn 50%.

Do có nhiều sơ hở trong quản lý, kiểm tra, giám sát, lượng hàng lậu, hàng cấm trà trộn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ ngày càng gia tăng.

 

Tám giờ sáng, khu ga Ðồng Ðăng đã tấp nập, nhộp nhịp. Những chiếc xe máy chở hàng cồng kềnh, lao vun vút từ hướng cửa khẩu Cốc Nam (Văn Lãng), từ những tuyến đường mòn qua hai cánh gà cửa khẩu Hữu Nghị (Ðồng Ðăng). Ðây là những địa danh được người dân địa phương gọi là "lãnh địa buôn lậu". Vì từ khu vực giáp biên này, đến ga Ðồng Ðăng chỉ gần hai km, hàng lậu từ biên giới về được tập kết ở nhà các hộ dân sát biên giới, chờ đến giờ tàu lên là vận chuyển hàng về ga Ðồng Ðăng. Mặc dù gần một tuần nay trời mưa to, nhưng hằng ngày đội ngũ xe "cửu vạn" vẫn hoạt động hết công suất chở những bao hàng bên ngoài bám đầy đất vào sân ga.

 

Trưởng ga liên vận quốc tế Ðồng Ðăng Vũ Kim Ngân cho biết: Ðây là ga cuối cùng của tuyến vận tải đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và ngược lại. Mỗi ngày có một chuyến tàu về Hà Nội vào lúc 13 giờ, chở từ hai đến ba tấn hàng hóa, ngày cao điểm từ 10 đến 15 tấn hàng, chủ yếu là hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập từ biên giới về. Ðó là chưa kể lượng hàng do những "cửu vạn" được chủ hàng thuê xách tay 20 kg (theo quy định không thu phí hành lý). Khu vực ga gần sát biên giới, lại có nhiều đường ngang, lối tắt cho nên hàng lậu được cất giấu nhiều chỗ, khi tàu chuẩn bị chạy, các đối tượng mới đu bám, đưa hàng hóa lên toa, khiến nhà ga rất khó kiểm soát... Nhà ga chỉ thu phí cước vận chuyển, còn đó là hàng lậu, hàng cấm, thì nhà ga không biết vì đã có một Ðội chống buôn lậu của huyện Cao Lộc, đóng ngay trên địa bàn ga để làm nhiệm vụ đó.

 

Qua nhiều lần khảo sát tại khu vực nhà ga Ðồng Ðăng, chúng tôi hầu như không thấy bóng dáng các lực lượng chống buôn lậu ở đây kiểm tra hàng hóa. Trong khi hàng trăm xe kéo, xe lôi, xe máy chở hàng và hàng đống hàng xếp ngổn ngang trên sân ga, chờ tàu đến. Ðội trưởng Ðội quản lý thị trường số 2 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đóng ngay gần ga Ðồng Ðăng) Chu Ngọc Hà cho biết: Ðội chống buôn lậu ở ga do huyện Cao Lộc thành lập, cùng tham gia phối hợp, gồm: cán bộ thuế, công an, quản lý thị trường, biên phòng... Tuy đã có cơ chế phối hợp chống buôn lậu, nhưng do cách điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ không chặt chẽ cho nên hiệu quả chống buôn lậu không cao. Vì vậy, ba tháng gần đây, đơn vị không bắt được vụ buôn lậu nào ở ga. Trong khi qua công tác trinh sát, nắm tình hình, có rất nhiều hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đặc biệt là hàng mỹ phẩm, hàng cấm được vận chuyển vào ga trà trộn với các loại hàng hóa có hóa đơn để đưa lên tàu đem về các tỉnh tiêu thụ. Nếu không chấn chỉnh công tác chống buôn lậu ở đây và để tình trạng này kéo dài sẽ trở thành khu vực tập kết hàng lậu rất lớn, nhất là những ngày cuối năm đang cận kề.

 

Ðồng thuận với quan điểm trên, Chi cục trưởng Hải quan ga liên vận quốc tế Ðồng Ðăng Vũ Tuấn Bình khẳng định: Thời gian qua, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã rất tích cực và kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên tuyến đường sắt. Nhưng trong cuộc chiến này còn có nhiều "lỗ hổng", làm cho tình trạng buôn lậu trên tuyến đường sắt luôn nóng bỏng. Cụ thể, mỗi ngày ở ga Ðồng Ðăng trung bình một chuyến tàu chở từ ba đến bốn tấn hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng nhập từ biên giới, trong đó có cả hàng có hóa đơn, chứng từ do các chủ hàng thu gom của cư dân biên giới. Nhưng số lượng hàng này chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là hàng lậu được trà trộn. Mặt khác, nếu có thì các chủ hàng kê khai giá trị rất thấp so với thị trường, cụ thể một chiếc quần bò kê khai trị giá chỉ có 10 nghìn đồng... Ðiều này làm thất thu một khoản thuế rất lớn.

 

Không chỉ vậy, thực hiện Luật Hải quan, những năm qua, nhiều chủ hàng đã sang thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng với số lượng lớn. Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu về được niêm phong, kẹp chì nguyên toa vận chuyển đến ga trong nội địa mới làm thủ tục hải quan. Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hòa cho biết: Ðây cũng là một "lỗ hổng" để các đối tượng "lách luật", nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng ngay tại khu vực cửa khẩu biên giới. Với quy định này, khi hàng hóa đến cửa khẩu, Hải quan tại cửa khẩu của Lạng Sơn chỉ kiểm tra vận đơn và cho thông quan, không thể biết trong toa tàu là hàng cấm hoặc hàng hóa vi phạm. Về vấn đề này, Phó Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thắng Lợi kiến nghị: Không chỉ kiểm tra trên vận đơn mà cần phải kiểm soát ngay từ cửa khẩu, xem hàng thực tế trong toa tàu là hàng gì. Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo 127 T.Ư kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2005/NÐ-CP ngày 15-12-2005, quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan, về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Theo đó, toàn bộ hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện các thủ tục hải quan ngay tại các chi cục hải quan cửa khẩu biên giới, trừ một số mặt hàng được nêu tại các điểm a, b, đ, e, g khoản 3, điều 18, Nghị định 54/2005/NÐ-CP...

 

Ðể ngăn chặn tình trạng buôn lậu trên tuyến đường sắt trong thời gian tới cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng ở các địa phương có tuyến đường sắt đi qua...