Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Các vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định tại Nghị định này gồm vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá và thuyền viên tàu cá; nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; ngành nghề dịch vụ thủy sản; cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
Các vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản không quy định tại Nghị định thì áp dụng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Đối tượng bị xử phạt là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đó.
Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản áp dụng đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính và mức phạt tiền tối đa của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định tại Nghị định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để giải quyết.
Nghị định thay thế cho Nghị định số 31/2010/NĐ-CP, ngày 29/3/2010, của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11./.