Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung

14:55, 25/09/2013

Ngày 25-9, Thanh tra Chính phủ  (TTCP) đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai, tập huấn Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, bổ sung và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCTN. Tham dự có: đại diện các bộ, ngành Trung ương, tập đoàn kinh tế; lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị. Về phía điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành, thị.

Lãnh đạo TTCP đã giới thiệu những điểm mới của Luật PCTN sửa đổi, bổ sung (SĐ,BS) cũng như các Nghị định mới được ban hành như: Nghị định số 59 của Chính phủ, ngày 17-6-2013, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN (SĐ,BS) năm 2012; Nghị định số 78, ngày 17-7-2013 của Chính phủ  quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90 ngày 8-8-2013 của Chính phủ quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó, các nội dung mới SĐ,BS được nhấn mạnh như: quy định người có nghĩa vụ kê khai tập trung chủ yếu vào vị trí có thể phát sinh tham nhũng nhiều; cách thức kê khai là kê khai hàng năm (không còn kê khai lần đầu, hay kê khai bổ sung như trước). Đặc biệt, về giải trình tài sản, thu nhập, đối tượng kê khai phải giải trình biến động của của tài sản thu nhập ngay trong bản kê khai; trong trường hợp giải trình không thỏa đáng, nếu phát hiện nghi vấn thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người kê khai phải cung cấp các chứng cứ giải trình tài sản tăng thêm đó.

 

Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Ngoài ra, lãnh đạo TTCP còn triển khai Kế hoạch số 2100, ngày 19-9-2013 về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Trong đó, mục đích của kế hoạch là nhằm hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh; phấn đấu hàng năm giải quyết trên 90% các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết.

 

Qua triển khai, nghiên cứu các văn bản, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề nghị TTCP giải đáp nhiều vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc trong quá trình thực hiện và nêu đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn để triển khai thực hiện tốt ở cơ sở.