Sáng qua (11/9), đoàn công tác số 3 của Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐ TƯ) về phòng chống tham nhũng (PCTN) do Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng đoàn bắt đầu chương trình làm việc với Ban Cán sự Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) để kiểm tra công tác thụ lý, xét xử án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Án tham nhũng còn bị kéo dài
Báo cáo của Ban Cán sự TANDTC thừa nhận, công tác xét xử một số vụ án tham nhũng còn để kéo dài, vẫn còn bản án, quyết định giải quyết các vụ án tham nhũng bị TA cấp trên hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo cũng còn thiếu tính thuyết phục, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất các qui định của pháp luật liên quan tới các tội phạm tham nhũng còn có những hạn chế nhất định…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả xét xử các vụ án tham nhũng, một trong các giải pháp mà Ban Cán sự TANDTC đưa ra là kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp để các vụ án tham nhũng quá thời hạn xét xử hoặc cho các bị cáo phạm tội tham những được hưởng án treo không đúng qui định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường giám đốc, kiểm tra việc xét xử, phối hợp với các cơ quan tư pháp TƯ làm tốt việc hướng dẫn áp dụng các qui định pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án này…
Giảm án treo trong án tham nhũng
TANDTC cũng cho biết, việc xử phạt tù những cho bị cáo được hưởng án treo cũng được các TA cân nhắc đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Các trường hợp phạm tội về tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo đã có xu hướng giảm.
Năm 2011, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham những được hưởng án treo là 37% thì năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 tỷ lệ này còn 28%. Từ 1/1/2011 đến 30/6/2013 chỉ có 6 bị cáo phạm tội tham nhũng bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án từ cho hưởng án treo sang tù có thời hạn. Các đối tượng giữ vai trò là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu và thuộc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng không được hưởng án treo.
Ban Cán sự TANDTC kiến nghị sửa đổi, bổ sung các qui định của Bộ luật Hình sự liên quan tới các tội phạm về tham nhũng cho phù hợp với qui định của Luật PCTN, về giới hạn xét xử của TA cho phù hợp thực tiễn công tác xét xử của TA; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ở TƯ với TANDTC trong ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó có các qui định của pháp luật hình sự về các tội phạm tội.
Trưởng đoàn công tác số 3 Nguyễn Bá Thanh cho biết, hiện có những vụ án thiệt hại kinh tế lớn nhưng thu hồi không được bao nhiêu, nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa bị khởi tố… Vì thế, việc kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch 16-KH/BCĐTW sẽ góp phần phát hiện hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan chức năng; những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, trước mắt tập trung những vụ án và một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham những hiện nay, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Kết quả kiểm tra, giám sát tại TANDTC dự kiến được công bố vào ngày 27/9.
Theo thống kê của TANDTC, từ 1/1/2011 đến 30/6/2013, toàn ngành TAND đã thụ lý 1.055 vụ với 2.232 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó có 19 vụ án BCĐ TƯ về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Các TAND và TA quân sự các cấp đã xét xử 886 vụ với 1.840 bị cáo phạm tội về tham nhũng. Xảy ra nhiều là tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ. |