Bộ Tư pháp vừa có Chỉ thị 03/CT-BTP về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức. Điểm đáng lưu ý tại Chỉ thị này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý công chức, viên chức của đơn vị mình, đồng thời khẩn trương xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức, xác định rõ biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị.
Còn bộc lộ hạn chế, bất cập
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công tác cán bộ, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, Chỉ thị nêu rõ, bên cạnh đó, công tác quản lý công chức, viên chức còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thậm chí có nơi, có lúc yếu kém.
Một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quản lý công chức, viên chức; vẫn còn hiện tượng buông lỏng quản lý, dẫn đến hiệu quả thực hiện một số khâu trong công tác quản lý công chức, viên chức chưa cao; còn để xảy ra sai phạm trong quản lý công chức, viên chức, tiềm ẩn yếu tố mất đoàn kết trong nội bộ một số đơn vị.
Để tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế và để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ, tăng cường thực hiện công tác quản lý công chức, viên chức.
Thủ trưởng phải chịu trách nhiệm
Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ về công tác quản lý công chức, viên chức, trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Đảng, Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là Thủ trưởng đơn vị và đội ngũ cán bộ chủ chốt của đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp, Quy chế văn hóa công sở, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc; phát huy tính tự thân, tự giác của từng công chức, viên chức trong rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao đạo đức của người cán bộ tư pháp “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý công chức, viên chức của đơn vị mình; thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các quy định về quản lý cán bộ trong tất cả các khâu: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động, quy chế chi tiêu nội bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực; trong đó đặc biệt chú trọng việc khẩn trương xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức, xác định rõ biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị; rà soát, nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị; đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch đội ngũ công chức, viên chức chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của các đơn vị; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015.
Thủ trưởng các đơn vị cũng phải đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; các quy định về chuyển đổi vị trí công tác; khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng đã được Ban Cán sự Đảng Bộ phê duyệt, Bộ trưởng ban hành; nghiên cứu, thực hiện thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo, quản lý trong ngành Thi hành án dân sự....
Chỉ thị cũng yêu cầu các đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, công chức, viên chức và người lao động trong công tác quản lý công chức, viên chức. Mỗi công chức, viên chức và người lao động phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, của Bộ; thường xuyên tự rèn luyện, chủ động tự học tập, nghiên cứu nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp của công tác tư pháp.