Siết chặt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho… khỏi “quên”

08:53, 04/10/2013

Trong một vụ án ly hôn, ngoài vấn đề phân chia tài sản, việc giao con cho ai nuôi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng nhất Tòa án phải quyết định. Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhưng thường rất ít người thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thậm chí có người còn quên luôn nghĩa vụ của mình.

Quên nghĩa vụ cấp dưỡng

 

Chị Nguyễn Thị Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã ly hôn với chồng hơn 3 năm nay. Khi ra Tòa, chồng chị đã đồng ý để chị nuôi cả 2 đứa con, còn anh ta sẽ có trách nhiệm đóng góp, chu cấp tiền nuôi con cho chị. Sau vài tháng đầu “suôn sẻ”, kể từ khi tái hôn, anh bắt đầu "lờ tịt" nghĩa vụ làm cha đối với 2 đứa con của mình.

 

Mặc dù rất ngại nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chị Hà đành muối mặt gọi điện nhắc nhở. Có điều, anh cứ ậm ừ, tháng thì đưa muộn, tháng thì lần lữa..., đấy là chưa kể người vợ mới của anh cũng bắt đầu can thiệp vào việc chu cấp cho con riêng của chồng.

 

Chị H.T.Y.T (Thanh Oai, Hà Nội) kết hôn cùng anh N.Đ.T.A được 7 năm thì ly hôn, anh T.A là đại úy quân đội đang tại ngũ. Năm 2010, khi ly hôn, TAND huyện Thanh Oai xử buộc anh T.A đóng góp 200 nghìn đồng/tháng để chị T nuôi con. Phía gia đình chị T không đồng ý, sau đó Tòa đã quyết định mức đóng góp là 500 nghìn đồng/tháng. Hiện nay, Nhà nước đã tăng mức lương cơ bản lên hơn 1 triệu đồng nên gia đình chị T không biết việc đóng góp nuôi con có được tăng lên không, nếu được thì đề nghị ở đâu và mức đóng góp nuôi con sau ly hôn được căn cứ như thế nào?.

 

Ngoài những khúc mắc trên, trong quá trình áp dụng pháp luật về cấp dưỡng cũng bộc lộ một số hạn chế khác. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn: “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

 

Tuy nhiên, một thực tế diễn ra phổ biến là rất ít người thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thậm chí có người còn quên luôn nghĩa vụ của mình, khiến khoản tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn trở thành khoản nợ khó đòi. Trong lúc đó, pháp luật hiện nay không quy định rõ ràng việc cưỡng chế, thi hành án đối với những trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn nên số vụ việc bị cưỡng chế về cấp dưỡng nuôi con không nhiều, dẫn đến quyền lợi của trẻ em sau khi cha, mẹ ly hôn không được đảm bảo.

 

Ấn định mức cấp dưỡng trong Luật

 

Mức cấp dưỡng hiện hành được căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Khi ly hôn có rất nhiều trường hợp con còn ở tuổi rất nhỏ, có trường hợp 14 - 15 năm sau mới đủ 18 tuổi. Mức cấp dưỡng lại bất di bất dịch trong khi thị trường đầy biến động, giá cả ngày càng leo thang.

 

Mức cấp dưỡng đã và đang trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Đấy là chưa kể những trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

 

Vì vậy, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, cần quy định mức cấp dưỡng cụ thể vào Luật Hôn nhân và Gia đình để thống nhất cách áp dụng trong mọi trường hợp. Mức cấp dưỡng có thể quy định ít nhất bằng 2/3 mức lương tối thiểu của từng thời điểm mà Nhà nước quy định để làm căn cứ tính mức cấp dưỡng hoặc mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

 

Cũng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Có quan điểm cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Trong nhiều trường hợp khi mẹ chết, em gái của mẹ (dì ruột) đã nuôi dưỡng, chăm sóc cháu trong nhiều năm, thậm chí có người đã không lấy chồng, ở vậy nuôi tới hai, ba đứa con của chị (dù không nhận là con nuôi). Bên cạnh đó, Luật mới chỉ dừng ở quy định giữa những người có quan hệ đương nhiên về pháp luật (giữa cha mẹ với con, giữa ông bà với cháu, giữa anh chị em với nhau), còn thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của người nuôi dưỡng mà không phải là cha, mẹ, con của người được nuôi dưỡng.

 

Vì vậy, Viện Nghiên cứu thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã kiến nghị bổ sung trách nhiệm cấp dưỡng của người có quan hệ họ hàng mà không phải là vợ chồng, cha mẹ và con, anh, chị, em ruột, ông bà và cháu của người có yêu cầu được cấp dưỡng vào Luật Hôn nhân và Gia đình. Quy định này sẽ tạo nên tính gắn kết trong quan hệ huyết thống, họ hàng thân thích, cũng như tăng cường tinh thần tương thân, tương ái giữa con người với con người trong gia đình và cộng đồng xã hội.