Đưa tội danh trốn đóng BHXH, BHYT vào Bộ Luật hình sự

09:06, 07/11/2013

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung các Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, đưa tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Bộ Luật hình sự với ngưỡng xử lý phù hợp.  

Chiều 6/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và đại diện các bộ, ngành liên quan đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng, thời gian qua, cơ quan này đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giảm nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là nhiệm vụ hàng đầu.

 

Tính đến tháng 9/2013, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt trên 61,8 triệu người, số thu bảo hiểm đạt trên 114.600 tỷ đồng, đạt 78% so với kế hoạch giao; số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trên 9.900 tỷ đồng, bằng 7,37% tổng số thu, trong đó nợ bảo hiểm xã hội gần 6.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 589 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế gần 2.570 tỷ đồng.

 

Trong số này, doanh nghiệp Nhà nước nợ 1.230 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ gần 4.470 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 1.300 tỷ đồng.

 

Nhiều đơn vị nợ bảo hiểm trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Không ít trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra xử lý doanh nghiệp mới chịu nộp. Một số doanh nghiệp bị kiện ra tòa về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng vẫn không chấp hành phán quyết của tòa án.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bên cạnh đó, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng cho rằng một trong những khâu yếu hiện nay là khâu chế tài, mức xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội quá thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, trong khi Luật không quy định xử lý hình sự khi doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

 

Để khắc phục những bất cập của chính sách, cơ chế, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung các Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tiễn, rà soát kỹ dự án Luật Bảo hiểm y tế, khắc phục ngay những điểm thiếu thuyết phục để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 năm 2014.

 

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham gia cùng Bộ Tư pháp đưa tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Bộ Luật hình sự với ngưỡng xử lý phù hợp.

 

Tán thành với đề xuất của đại diện Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị trước mắt cần tổ chức đợt thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội do cơ quan Thanh tra Chính phủ chủ trì, ngành Bảo hiểm Xã hội tham mưu đề xuất cơ chế, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài chính.

 

Đợt thanh tra liên ngành này sẽ được phân cấp, một số cuộc do các cơ quan cấp Trung ương thực hiện, một số cuộc giao cho cấp tỉnh; đối tượng thanh tra bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Lao động-Thương binh-Xã hội trong quý 1/2014 có thỏa thuận về cơ chế trao đổi thông tin về việc ra đời của doanh nghiệp để công tác quản lý doanh nghiệp và lao động được tốt hơn.

 

Phó Thủ tướng gợi ý, năm 2014, Mặt Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề thu và nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế./.