Tại hội nghị sơ kết ba năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số đại diện các Sở Tư pháp địa phương đều kiến nghị tăng thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp lên vì nếu không sẽ khó trả cho người dân đúng hạn.
Ba năm tiếp nhận hơn 200 nghìn thông tin lý lịch tư pháp
Hiện nay, Phiếu Lý lịch tư pháp trở thành một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân khi mà ngày càng có nhiều văn bản của Nhà nước quy định về việc phải có Phiếu Lý lịch tư pháp khi tham gia vào các quan hệ pháp lý.
Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho biết, sau ba năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp đã hình thành cơ chế cập nhật và xử lý thông tin về đương nhiên xóa án tích của người bị kết án.
Tính đến ngày 1-7-2013, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận hơn 200 nghìn thông tin, trong đó có hơn 199 nghìn thông tin lý lịch tư pháp về án tích do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các Sở Tư pháp, 115 trại giam, trại tạm giam cung cấp. Hiện Trung tâm đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Luật.
Tuy nhiên Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Một số quy định của Luật như vấn đề cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 theo yêu cầu của cá nhân, vấn đề cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người không quốc tịch… đã phát sinh những bất cập và hạn chế.
Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp còn chưa sâu, rộng, đặc biệt là tại các bộ, ngành có liên quan, ở chính quyền cấp huyện, cấp xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam...
Chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp tại các địa phương chưa chuyên nghiệp, chưa có trình độ chuyên môn sâu do nhiều công chức, viên chức chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ lý lịch tư pháp.
Số lượng thông tin lý lịch tư pháp từ các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa được thực hiện thường xuyên và đầy đủ.
Theo báo cáo của các Sở Tư pháp tại nhiều địa phương, cơ quan công an cấp huyện chưa thực hiện cung cấp các thông tin lý lịch tư pháp như Giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, án phạt cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân…
Tuy nhiên bà Đào Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê - Tổng hợp, Tòa án Nhân dân tối cao phản ánh: Trong một số trường hợp, công văn yêu cầu của Sở Tư pháp đề nghị cung cấp về Lý lịch tư pháp, đặc biệt là thông tin về xóa án tích của công dân, không thể hiện rõ công dân đó đã bị Tòa án xét xử hay chưa hoặc bị xét xử vào năm nào nên việc Tòa án tra cứu hồ sơ để có thông tin cung cấp cho Sở Tư pháp mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.
Sở Tư pháp phải tra cứu thông tin từ tàng thư ngành công an
Tại hội nghị sơ kết, ông Dương Hữu Dung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An cho hay, theo quy định tại điều 48 của Luật, thời hạn cấp phiếu Lý lịch tư pháp không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
Tuy nhiên, quy định này không khác nào “đánh đố” cơ quan tư pháp, bởi trên thực tế, việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp hiện nay còn dựa vào kết quả nghiên cứu tàng thư của ngành công an. Do đó, thời hạn cấp cho công dân thường bị kéo dài hơn nhiều so với quy định.
Thêm vào đó, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu Lý lịch tư pháp gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng.
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức tại đây thường rơi vào tình cảnh quá tải.
Trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 200 lượt người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Những tháng cao điểm mỗi ngày tiếp nhận 300 đến 400 hồ sơ, gấp hai đến năm lần so với số lượng một năm ở một số địa phương khác.
Số người dân đến nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Tư pháp mỗi ngày tương đương số người đến nhận kết quả trong khi năng lực giải quyết của Sở còn có hạn nên không tránh khỏi tình trạng “trôi” thời hạn.
Thực tế để có đủ thông tin cung cấp cho người dân, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh phải thông qua việc tra cứu thông tin từ hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành công an và từ hệ thống lưu hồ sơ án của tòa án, thậm chí là phải lấy thông tin từ Viện Kiểm sát. Bên cạnh đó, phương pháp tiến hành thủ tục này chủ yếu thực hiện bằng biện pháp thủ công, tốn nhiều thời gian.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an, quy định này rất khó thực hiện trên thực tế vì trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, việc cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp của người phạm tội gặp không ít khó khăn nên dẫn đến công tác tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin phục vụ ở một số nơi còn chậm trả kết quả so với thời gian quy định. “Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu báo cáo Quốc hội cho sửa đổi Luật theo hướng kéo dài thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay” - Thiếu tướng Huy Mạ đề xuất.
Một trong những điểm vướng nữa của Luật Lý lịch tư pháp trong quá trình thực hiện tại các địa phương chính là quy định cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân nhất là các trường hợp học sinh, sinh viên du học, người định cư ở nước ngoài phải về Việt Nam. Những người này phải trực tiếp nộp hồ sơ thì quá tốn kém và ảnh hưởng đến việc học tập nhưng lại không được ủy quyền cho người khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau ba năm triển khai thi hành Luật, công việc mới mẻ gian nan, có rất nhiều khó khăn, bất cập nhưng những kết quả đạt được là rất tích cực. Việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp còn điểm này điểm khác song cơ bản có bước tiến quan trọng, bằng 3/4 số phiếu được cấp 10 năm trước khi có luật.
Nhận thức của xã hội về Lý lịch tư pháp ngày càng được tăng cường, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, bảo đảm sự công khai, minh bạch. Lý lịch tư pháp đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan Nhà nước trong quản lý dân cư, quản lý xã hội nhất là hoạt động tố tụng.