Ngày 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN.
Đối thoại do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ Vương quốc Anh, Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức.
Doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN
Trước thềm Đối thoại lần này, trong tháng 10/2013, các cơ quan đồng chủ trì đã tổ chức 3 cuộc hội thảo tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội về “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” với sự tham gia tích cực của đại diện nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các phòng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội làng nghề… Theo đó, tại mỗi cuộc hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thành công trong thực hiện quy tắc tuân thủ và liêm chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phác họa nhiều khía cạnh của thực trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong kinh doanh tại Việt Nam; phân tích nguyên nhân và đưa ra khuyến nghị, giải pháp khắc phục. Đây là lần đầu tiên, vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được thảo luận với nhiều góc nhìn và quy mô.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế, xã hội, làm tăng chi phí, phá vỡ nền quản trị của doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện do một số ít doanh nghiệp với những quan chức tha hóa sẽ hình thành nhóm lợi ích có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật… Đối với Việt Nam, các nguyên tắc “thiện chí, trung thực”, “không xung đột lợi ích”, “tuân thủ pháp luật” đã được thực thi rộng rãi trong giao dịch dân sự, kinh tế và từng bước được thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật trong Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp hay các luật chuyên ngành khác. Bộ Luật Hình sự cũng quy định những chế tài nghiêm khắc đối với những tội phạm về hối lộ, gian lận thương mại nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những hành vi tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh.
Cũng theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật PCTN liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Báo cáo kết quả nghiên cứu tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp: thực trạng và giải pháp” được Thanh tra Chính phủ trình bày tại Đối thoại nêu rõ, nạn tham nhũng, hối lộ trong hoạt động doanh nghiệp là một thách thức đối với châu Á và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức (CBCC) trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khá phổ biến, hậu quả tăng chi phí, mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động, gây tâm lý bức xúc. Đáng lo ngại là tình trạng doanh nghiệp đã hối lộ hay chi trả phí môi giới khi vay vốn tại các Ngân hàng thương mại (NHTM) khi tham gia đấu thầu, tiếp cận các chính sách ưu đãi.
Cũng theo Báo cáo trên, tình trạng xung đột lợi ích – nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và gian lận trong nội bộ doanh nghiệp bước đầu được nhận diện; những tác động tiêu cực làm giảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp bước đầu được xác định và đánh giá.
Báo cáo cũng nhận định, dù còn có khác nhau trong nhận thức về tác động tiêu cực của tham nhũng, hối lộ của doanh nghiệp nhưng đa số đều thống nhất cao cần phải đánh giá một cách tổng thể tình trạng tham nhũng, hối lộ trong doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia trong dài hạn.
Đồng bộ các giải pháp trong PCTN
Trong khuôn khổ chương trình Đối thoại, các đại biểu đều chung nhận định Luật PCTN của Việt Nam thời gian qua đã được thực thi với những nội dung liên quan đến công tác pháp lý được Chính phủ nỗ lực, tích cực triển khai nhằm tăng cường minh bạch, góp phần tăng cường PCTN tốt hơn. Tuy nhiên, cần phân tích rõ ràng hơn, cụ thể hơn các nguyên nhân cơ bản, gốc rễ của tình hình để “cuộc chiến” PCTN, lãng phí đạt được những bước tiến triển, có tính đột phá hơn. Cần tăng cường hơn nữa yếu tố chính sách, xác định phòng là chính, lưu ý tới các lĩnh vực có nguy cơ cao: hải quan, thuế, đấu thầu… Cần áp dụng công nghệ truyền thông, thông tin hiện đại, tăng cường giao lưu trao đổi, giảm bớt cơ hội nhũng nhiễu và đưa hối lộ trong các doanh nghiệp.
Các đại biểu bày tỏ hy vọng qua Đối thoại sẽ tiếp thu, vận dụng phù hợp các bài học kinh nghiệm với thực tiễn của Việt Nam nhằm tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, không tham nhũng; vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Đối thoại, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị của các đại diện quốc tế với công cuộc PCTN hiện nay ở Việt Nam. Phó Thủ tướng cảnh báo về nguy cơ của thực trạng tham nhũng, lãng phí, hối lộ trong doanh nghiệp và khu vực tư, gây mất minh bạch, cạnh tranh bất bình đẳng trong khu vực này, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh…
Theo Phó Thủ tướng, hiện Việt Nam tích cực tham gia nhiều Hiệp ước song phương và đa phương, PCTN không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ, là nội dung quan trọng trong khuôn khổ hợp tác kinh tế song và đa phương, đáp ứng được mong mỏi của quốc tế, kỳ vọng của nhân dân để tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng…
Phó Thủ tướng cho rằng, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của pháp luật PCTN đối với khu vực tư nhân; tăng cường chế tài xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng biện pháp đưa hối lộ nhằm làm méo mó tính chất thị trường cạnh tranh lành mạnh; xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp với xã hội; cam kết thực hiện đạo đức kinh doanh với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội kinh doanh và cơ quan nhà nước dưới sự giám sát của cộng đồng; hoàn thiện cơ chế quản trị, phòng ngừa xung đột lợi ích, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, gian lận trong nội bộ doanh nghiệp...
Chia sẻ về công tác PCTN của doanh nghiệp và khu vực tư, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp là chủ thể có trách nhiệm trong thực hiện PCTN, hướng tới xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp không tham nhũng, không hối lộ, nâng cao cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp, xây dựng thể chế pháp luật công bằng và minh bạch, hệ thống thủ tục hành chính rõ ràng, công khai, chương trình hành động cụ thể… tạo niềm tin trong nhân dân về hiệu quả của công cuộc PCTN hiện nay./.