Hội thảo về khung pháp lý cho hoạt động báo chí

08:42, 28/02/2014

Chiều 27/2, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Khung pháp lý cho hoạt động báo chí” và tập huấn "Kỹ năng đối thoại báo chí cho người phát ngôn".

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý báo chí đều cho rằng, để báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình, trong nhiều năm qua Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho hoạt động báo chí như tạo điều kiện cho nhà báo, phóng viên hoạt động nghiệp vụ; trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan báo chí và nhà báo trong việc thu thập xử lý và công bố thông tin. Đặc biệt là trách nhiệm “trả lời báo chí” của người có chức vụ, quyền hạn tại các tổ chức, cơ quan nhà nước trước các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân nêu trên báo chí.

 

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication ), Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và kết quả nghiên cứu “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với các kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí” 2013 của MEC cho thấy tình trạng cản trở, không tạo điều kiện, không thực thi các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hoạt động báo chí vẫn diễn ra phức tạp, kéo dài, chậm được xử lý. Trao đổi tại hội thảo, ông Mai Phan Lợi, Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay, các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp là rất đa dạng, đó có thể là hành hung, thu giữ phương tiện tác nghiệp, đe dọa cho đến những hành vi không cung cấp thông tin hoặc né tránh cung cấp thông tin.

 

Vấn đề thành lập một hội đồng tư vấn về báo chí cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng tình về việc ra đời một tổ chức độc lập với vai trò tư vấn. Ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh việc thành lập một hội đồng tư vấn sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước xử lý những phát sinh trong hoạt động báo chí. Trong đó các thành viên của hội đồng sẽ phải bao gồm đầy đủ từ Bộ TT&TT cho đến đại diện các cơ quan về luật, Hội Nhà báo và đại diện một số báo, tạp chí. Như vậy khi phát sinh sai phạm báo chí, đây sẽ là nơi xem xét đánh giá một cách tổng thể từ góc độ chuyên môn, luật pháp… từ đó việc xử lý vi phạm sẽ trở nên khách quan hơn.

 

Tuy nhiên, xoay quanh ý tưởng này nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự thận trọng. Ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng việc thành lập một hội đồng như vậy là ý tưởng hay nhưng làm như thế nào, cơ chế vận hành hội đồng ra sao thì cũng cần phải nghiên cứu. Theo ông Thư, hội đồng này với vai trò chính là tham vấn sẽ không đồng nghĩa với việc bỏ đi các cơ chế quản lý, quy trình về mặt pháp lý khi xảy sai phạm trong hoạt động báo chí.

 

Ngay sau Hội thảo là khóa tập huấn “Kỹ năng đối thoại báo chí dành cho người phát ngôn các cơ quan nhà nước" với sự tham gia của gần 60 người là lãnh đạo, người phát ngôn các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và TP Hà Nội./.