Đào tạo nguồn nhân lực cho cải cách tư pháp theo chủ trương “3 chung”

09:08, 13/03/2014

Ngày 12/3, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên (KSV), luật sư (LS) để thực hiện chủ trương đào tạo “3 chung”.

Thời gian qua, Học viện Tư pháp đã cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho ngành Tòa án, kiểm sát và đội ngũ LS để phục vụ cho cải cách tư pháp của đất nước. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, công tác phối hợp trong đào tạo thẩm phán, KSV, LS giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), Liên đoàn LS Việt Nam vẫn còn một số bất cập. Cơ chế tuyển sinh đào tạo các chức danh tư pháp không ổn định, thống nhất theo thời gian và đối tượng, kế hoạch đào tạo các chức danh này luôn bị thay đổi và thường là chậm rất nhiều về thời gian theo kế hoạch, gây bị động cho Học viện Tư pháp. Trong khi đó, điểm mắc là “đầu ra” của nguồn học viên thẩm phán, KSV cần có một chủ trương sử dụng, bổ nhiệm thống nhất giữa các ngành.

 

Để thực hiện được nhiệm vụ đào tạo “3 chung”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng phối hợp đào tạo nguồn cho các chức danh thẩm phán, KSV, LS. Hội đồng có sự tham gia của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn LS Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị hữu quan để thực hiện phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược CCTP, sử dụng học viên sau đào tạo.

 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, với mục tiêu đào tạo thí điểm “3 chung” 100 người/năm từ năm 2014 song song với việc đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán 500 người/năm, kiểm sát viên 300 người/năm, đào tạo “3 chung” sẽ không chỉ đáp ứng về số lượng nguồn nhân lực cho các chức danh thẩm phán, KSV và LS mà quan trọng hơn cả là sẽ tạo sự thống nhất trong nguồn lực đầu tư, chất lượng, yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp, giải quyết được những điểm "vênh" nhau trong chất lượng nguồn nhân lực do có nhiều cơ sở đào tạo cùng đào tạo.

 

Việc thành lập Hội đồng được coi là giải pháp quan trọng để xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo các chức danh này, đồng thời phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho cải cách tư pháp thông qua chương trình đào tạo “3 chung”.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Trên cơ sở thống nhất về chủ trương, phải khẩn trương để thành lập Hội đồng phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo nguồn thẩm phán, KSV, LS vào tháng 4, sớm triển khai thí điểm đào tạo “3 chung”./.