Sáng 13/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi lần này bổ sung nhiều quy định mới so với Luật hiện hành như: Bổ sung việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi với nam và 60 tuổi đối với nữ, đặt thêm nhiều chức danh như Trợ lý điều tra, tăng nhiệm kỳ của kiểm sát viên, tổ chức hệ thống kiểm sát nhân dân thành 4 cấp…
Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo vẫn còn một số ý kiến khác nhau về vai trò của Ủy ban kiểm sát đối với các vấn đề lớn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) từ phương hướng hoạt động của ngành đến cho ý kiến các vụ án quan trọng, phức tạp.
Thẩm tra Tờ trình dự án Luật của VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Ban soạn thảo về sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, để thể chế hóa rõ hơn quy định của Hiến pháp 2013 và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp thì cần bổ sung quan điểm về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của VKS phải được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp VKS, của mỗi kiểm sát viên với sự chỉ đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC; bảo đảm phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện theo chủ trương cải cách tư pháp được ghi trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng nêu lên những vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật này. Đó là, vai trò của Ủy ban Kiểm sát là “tư vấn” hay tham gia quyết định các vấn đề lớn của ngành; về quyền hạn điều tra của VKSNDTC như: Không nên giao cho VKSND có quyền điều tra lại toàn bộ vụ án vì không phù hợp với việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tư pháp; về tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra thuộc VKSND cần tiếp tục tổ chức và quy định về Cơ quan điều tra của VKSND ngay trong Luật. Cơ quan điều tra này chỉ tổ chức ở VKSNDTC để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp…
Một trong những nội dung mà dự thảo Luật quy định được quan tâm là tăng độ tuổi làm việc cho Kiểm sát viên tối cao lên 65 tuổi với nam và 60 đối với nữ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai không tán thành quy định tuổi làm việc theo như dự thảo luật quy định. Bà Mai cho rằng, không nên để cho luật nào có quy định tuổi nghỉ hưu trái với quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức. Trong trường hợp nếu quy định vượt quá tuổi trong Bộ luật Lao động thì cần một quy định riêng và phải làm rõ đó là “tuổi hành nghề” trên cơ sở nhu cầu của cơ quan tổ chức, không nắm chức vụ quản lý, nằm trong tổng biên chế chung và có chuyên môn, kỹ thuật cao…
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng tán thành quy định tuổi làm việc của Kiểm sát viên tối cao nên áp dụng chung theo Bộ luật Lao động mới sửa đổi vừa qua, trường hợp vượt tuổi như dự luật thì nên có văn bản riêng, nếu không sẽ “vênh” với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan soạn thảo nên hết sức chú ý đến những quy định mới của Hiến pháp 2013. Đó là cần cụ thể hóa những quy định về bảo vệ quyền con người của công dân. VKS phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được ghi rõ trong Hiến pháp nhưng theo ông Hiển, trong dự luật còn thiếu nội dung này. Bên cạnh đó, các chức danh, ngạch bậc của Kiểm sát viên cũng cần thống nhất với cách gọi và thang bậc với một số ngành nghề hiện nay như Kiểm sát viên, Kiểm sát viên chính, Kiểm sát viên cao cấp.