Hai phương án "gỡ rối” về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho kiều bào

09:58, 08/05/2014

Trước nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam của rất nhiều kiều bào ta ở nước ngoài sau ngày 1/7/2014, Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.  

Ngoài phương án này, qua thảo luận tại phiên họp thường kỳ, Thủ tướng, Chính phủ thống nhất sẽ có thêm phương án thứ hai là bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để trình Quốc hội xem xét quyết định.

 

6.000 người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

 

Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 13 Luật năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tính đến trước ngày 1/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì trong 5 năm kể từ thời điểm trên, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam; nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014.

 

Đối tượng cần phải đăng ký là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ trước khi Luật năm 2008 có hiệu lực (người Việt Nam ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài sau ngày 1/7/2009 không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam).

 

Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hết sức đơn giản. Người đề nghị chỉ cần nộp Tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng đương sự cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước tiến hành xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.

 

So với Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và Luật Quốc tịch năm 1988, quy định đăng ký giữ quốc tịch theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là chế định mới. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh lý giải: Khi xây dựng Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, tại Tờ trình số 73/TTr-CP ngày 08/5/2008 của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quốc tịch đã báo cáo rõ lý do vì sao cần có quy định này trong Luật.

 

Quy định về đăng ký giữ quốc tịch cũng nhằm góp phần giải quyết sự không rõ ràng về quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp cho Nhà nước nắm bắt được tình trạng thực tế về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, từ đó có cơ sở xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài khi về nước (hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp như miễn thị thực xuất, nhập cảnh; sở hữu, thừa kế tại Việt Nam...).

 

“Như vậy, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là một chính sách đúng đắn, nhằm tăng cường tính minh bạch của pháp luật đối với vấn đề quốc tịch, cũng như hiện thực hóa chủ trương bảo hộ công dân, bảo vệ quyền, lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế được xác định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Khanh nhấn mạnh.

 

Để triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nói chung và quy định về đăng ký giữ quốc tịch nói riêng, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã làm hết sức mình. Chẳng hạn, đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc tịch cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; vận động, khuyến khích bà con đăng ký; đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số địa bàn khó khăn, nhạy cảm…

 

Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho biết, tới nay chỉ có khoảng 6.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nguyên nhân của con số đăng ký giữ quốc tịch thấp hơn mong muốn có thể là do người Việt Nam ở nước ngoài chưa thấy việc đăng ký này mang lại lợi ích thiết thực.

 

Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Ngoài ra, một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài, hoặc một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hiểu rõ các quy định của việc đăng ký giữ quốc tịch.

 

Nhiều hướng đề xuất sửa đổi Luật

 

Nguy cơ nhãn tiền được cảnh báo rằng nếu số kiều bào còn lại không “kịp” đăng ký giữ quốc tịch trước ngày 1/7/2014 thì theo Điều 26 Luật năm 2008, họ sẽ mất quốc tịch Việt Nam và điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước Việt Nam không còn quyền bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài.

 

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng phải sửa đổi quy định của Luật với những đề xuất khác nhau như bãi bỏ Điều 13 hoặc vẫn quy định về đăng ký giữ quốc tịch nhưng vô thời hạn, tạo điều kiện cho cả các thế hệ kiều bào về sau hoặc cho gia hạn từ 3-5 năm nữa, sau thời hạn này thì mất quốc tịch Việt Nam.

 

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng kiên trì với phương án sửa Luật song cũng tiên liệu là không đủ thời gian (từ nay đến kỳ họp tới chỉ còn vài tháng) nên kiến nghị gia hạn để người dân tiến hành các thủ tục liên quan, bà con có thêm thời gian suy nghĩ, tiếp cận các thông tin được cung cấp. Mục tiêu lâu dài cần hướng tới, theo Bộ Ngoại giao, vẫn là trong Luật Quốc tịch không còn quy định phải đăng ký để giữ quốc tịch.

 

Đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, khi Luật năm 2008 được ban hành, bà con rất phấn khởi, nhưng rồi bà con thấy rằng đăng ký chỉ là đăng ký, không đồng thời với việc có quốc tịch Việt Nam và cao hơn là có hộ chiếu Việt Nam, trong khi do điều kiện sinh sống, bà con lại cần giấy tờ của nước sở tại.

 

“Không cho đăng ký sau ngày 1/7/2014 tức là không cho phép đăng ký với công dân đi du học, lao động hoặc mới sinh ra sau thời điểm này sao” - vị này thắc mắc và đề nghị: “Bà con cho rằng mình có và mong muốn có quốc tịch Việt Nam thì bất cứ lúc nào cũng cần cho phép đăng ký. Kéo dài thời hạn cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn đúng hơn là phải bỏ quy định đăng ký. Chắc chắn phải sửa Luật, song sửa như thế nào lại cần tính toán thêm”.

 

“Chốt” hai phương án trình Quốc hội

 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Bộ Tư pháp trình phương án kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 năm. Theo đó, quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 là ngày có hiệu lực của Luật Quốc tịch năm 2008, thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 1/7/2019 để giữ quốc tịch Việt Nam”.

 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc Dự thảo Luật sửa đổi quy định như đề xuất trên liên quan đến quá trình chính sách về quốc tịch được quy định trong Luật từ 1945 đến 1998 và 2008. Đó là quy định nguyên tắc một quốc tịch cứng, thậm chí từ 1945-1988, sắc lệnh Bác Hồ ký thì những người quốc tịch Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài là mất quốc tịch Việt Nam. Còn Luật Quốc tịch 2008 tuy quy định cơ chế một quốc tịch nhưng “mở” là không quy định nếu đã nhập quốc tịch nước ngoài thì tự động mất quốc tịch Việt Nam như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 

“Báo chí viết hàng triệu người mất quốc tịch thì hơi xúc động. Thực tế số thuộc phạm vi điều chỉnh không nhiều”, Bộ trưởng nói và chia sẻ, nếu quy định vô thời hạn về đăng ký giữ quốc tịch thì mục đích đề ra sẽ không đạt yêu cầu.

 

Bởi vô thời hạn sẽ mãi rơi vào tình trạng mập mờ về quốc tịch Việt Nam, khi đó ảnh hưởng vấn đề bảo hộ công dân. Hiến pháp 2013 quy định rõ một nguyên tắc: không dẫn độ, giao nộp công dân Việt Nam cho nước khác. “Trường hợp 2 quốc tịch mà chúng ta chấp nhận sự can thiệp của các nước trong bảo hộ lãnh sự tại lãnh thổ Việt Nam, điều này chắc chắn vi hiến. Đến lúc đòi hỏi cần có thời hạn tiếp tục thực hiện chính sách Quốc hội đã thông qua. Chúng tôi cho rằng thời hạn quy định 5 năm là thỏa đáng, chứ vô thời hạn thì không thỏa đáng”, Bộ trưởng phát biểu.

 

Trước các ý kiến khác nhau, Thủ tướng, Chính phủ thống nhất sẽ trình hai phương án liên quan đến giữ quốc tịch kiều bào là kéo dài thời hạn đăng ký 5 năm hoặc bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để Quốc hội xem xét quyết định.