Trong rất nhiều nội dung làm việc của kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.
Dự kiến, ngày 27/5 tới đây Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật và ngày 19/6 sẽ biểu quyết thông qua Luật. Đây là thời điểm quyết định đối với những nỗ lực trong thời gian qua của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (viết tắt là LGBT) cũng như của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền con người bởi điều khoản quy định về quan hệ giữa hai người cùng giới sẽ chính thức được ghi nhận hay lại tiếp tục ở “ngoài lề” của pháp luật.
Từ cấm chuyển sang không thừa nhận
Dự thảo mới nhất của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành và bổ sung quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” sang điều kiện kết hôn.
Nhiều ý kiến tán thành về việc bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới vì điều này phù hợp với xu thế vận động của xã hội hiện nay. Cùng đó, một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc quy định “không thừa nhận” do lo ngại nó sẽ ngăn cản việc cấp chứng nhận độc thân để người Việt Nam có quyền kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan thẩm quyền nước ngoài và không thừa nhận hôn nhân cùng giới đã kết hôn hợp pháp ở nước ngoài.
Chia sẻ kết quả điều tra về “Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới” trên cơ sở khảo sát 5.300 người dân thuộc 8 tỉnh thành phố, PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học - cho biết một số phát hiện đáng lưu ý.
Cụ thể là, ngày càng có nhiều người dân biết về đồng tính (90%) và việc sống chung như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính (62%). Một tỉ lệ lớn (30%) người dân có quen ai đó là người đồng tính (họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…). “Điều này chứng tỏ quan hệ cùng giới là thực tế tồn tại trong xã hội cần được quan tâm và giải quyết”, ông Nguyên Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi được hỏi về một số quyền cụ thể mà các cặp đôi cùng giới nên được pháp luật bảo vệ, 56% người dân cho rằng cặp đôi cùng giới nên có quyền cùng nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản. Các quyền này nên được đề cập đến trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, phù hợp với quan điểm của đa số người dân.
Cũng theo ông Nguyên Anh, có khoảng 1/3 số người được hỏi (33,7%) ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Về việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ và không ủng hộ gần tương đương nhau, tương ứng là 41,2% và 46,7%. Với tỉ lệ không nhỏ người ủng hộ, hình thức sống chung cùng giới nên được hợp pháp hóa theo dạng “kết hợp dân sự” hoặc “đăng ký sống chung như vợ chồng”.
Những kết quả còn cho thấy đã có một góc nhìn văn hóa mới về quan hệ hôn nhân, chung sống cùng giới ở Việt Nam, khác với những lo ngại trước đây. Một số đám cưới đồng tính tại Bình Phước và Tiền Giang gần đây diễn ra cũng hoàn toàn suôn sẻ, không vấp phải sự phản đối của người dân, gia đình.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) Lê Quang Bình nhận định: “Kết quả điều tra trên rất đáng để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi thảo luận và thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vào tháng 5-6 này. Dự thảo Luật nên được xem xét điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của đa số người dân, nhu cầu thực tế của người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng như tiếp cận dần đến nguyên tắc bình đẳng trong luật pháp Việt Nam”.
Không quy định sống chung, tức là người đồng tính sẽ bị “bỏ rơi”?
Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng LGBT lo lắng hơn cả là Dự thảo Luật mới nhất không đề cập đến quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Việc không đề cập đến quy định trên xuất phát từ việc xem bản chất quan hệ giữa những người cùng giới tính không phải là quan hệ hôn nhân, hay sâu xa hơn thì không xem họ là một gia đình. Nhiều người tán thành không cần quy định giải quyết hệ quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính vì quan hệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình.
Có điều thực tế nói lên điều ngược lại. Nhiều cặp cùng giới sống chung với nhau, không được sự ủng hộ từ phụ huynh hay họ hàng, sống tách biệt và chỉ nương tựa vào nhau từ vật chất tới tinh thần. Thật khó để nói rằng họ chỉ là hai người có quan hệ dân sự với nhau. Đồng thời có nhiều cặp sống chung với nhau trong sự ủng hộ của cả gia đình hai bên, với đầy đủ sự hỗ trợ, kế hoạch cho tương lai, phụ huynh cũng coi người yêu con mình như con cái trong nhà.
Do vậy, đưa quan hệ chung sống giữa những người cùng giới ra khỏi Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết bằng luật dân sự, là một sự thừa nhận chưa đúng mức. Cái cuối cùng mà những người trong cuộc mong muốn vẫn là có một mối quan hệ “chính đáng” được luật pháp thừa nhận và bảo vệ. Nếu chỉ giải quyết hậu quả của việc chung sống với nhau như luật dân sự thì chỉ là thỏa thuận của hai bên như bất kỳ giữa hai người xa lạ nào khác.
Mặc dù về bản chất, hôn nhân cũng là quan hệ dân sự, song lại có những tính chất đặc biệt, liên quan tới cả tình cảm và sự gắn bó giữa những thành viên trong gia đình. Việc “coi nhau như vợ chồng” thể hiện ở việc cặp đôi có thể hy sinh rất nhiều cho nhau để tạo dựng cuộc sống chung, trong đó có việc phân công lao động làm nội trợ, chăm sóc con cái hay đảm nhận thu nhập chính cho cuộc sống chung. Một người có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội, hay thu hẹp lại trong phạm vi duy trì công việc gia đình. Sự bình đẳng trong mối quan hệ gia đình này lại không phải là “làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” nữa mà cần phải là có quyền ngang nhau. Vì vậy, nếu đưa quan hệ cùng giới vào Bộ luật dân sự thì việc đảm bảo tính nhân bản và công bằng này là rất khó.
Đại diện iSEE phân tích thêm: “Nếu chỉ giải quyết theo pháp luật dân sự thì chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các bên trong quá trình chung sống, đặc biệt về sự đóng góp công sức tạo dựng, duy trì cuộc sống chung. Theo đó với Luật Hôn nhân và gia đình, người làm công việc nội trợ thì cũng ngang quyền với người trực tiếp làm ra tài sản. Đây là tính chất nhân bản chỉ có trong luật hôn nhân gia đình. Trong khi đó với luật dân sự thì nguyên tắc nền tảng là bình đẳng: ai tạo ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Sự bình đẳng này nếu áp dụng vào mối quan hệ chung sống giữa hai người cùng giới coi nhau như vợ chồng sẽ là bất công”.
Hãy làm cho người được luật tác động cảm thấy hạnh phúc
Dù pháp luật không cho phép, người đồng tính vẫn sống chung với nhau. Có điều, họ bị mất đi nhiều quyền lợi, như quyền thừa kế theo pháp luật, quyền tài sản chung, nhận con nuôi chung, quyền nhận thân nhân trong các trường hợp khẩn cấp, quyền hưởng các phúc lợi xã hội, lao động như các cặp khác giới.
Quan trọng không kém, sự thừa nhận pháp lý quan hệ hôn nhân hay chung sống còn có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thể hiện rằng xã hội tôn trọng phẩm giá của mọi con người như nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân. Chúng ta hay nhắc đến nghịch lý về những người không yêu nhau mà phải lấy nhau, còn ở đây lại có một nghịch lý khác là những người yêu nhau lại không thể lấy nhau.
Đại diện một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người đồng tính mong mỏi, Luật sẽ có quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính như sau: “Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập”.
Anh Lương Thế Huy – một người đồng tính – cũng vừa gửi tâm thư tới các vị đại biểu Quốc hội. Anh bày tỏ, Luật Hôn nhân và gia đình đặc biệt hơn nhiều đạo luật khác, Luật này ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của anh. Nó sẽ nói cho anh biết anh được đối xử như thế nào trước pháp luật, nó sẽ nói với xã hội rằng anh xứng đáng được hưởng những quyền gì, nó sẽ nói cho người anh yêu thương rằng anh được bảo vệ như thế nào.
“Trong suốt hai năm qua từ lúc dự luật được bắt đầu soạn thảo, tôi đã gặp rất nhiều người quan tâm: từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân cho tới những nhà nghiên cứu, cán bộ nhà nước, đại biểu Quốc hội. Nhiều bạn bè quốc tế bất ngờ trước những khả năng đầy hứa hẹn của Luật Hôn nhân và gia đình. Họ bày tỏ sự cảm phục khi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính”, anh Huy tha thiết.
Tuy nhiên, theo anh Huy, Luật sửa đổi cũng có thể sẽ im lặng với anh nếu quy định về việc chung sống cùng giới không được Luật điều chỉnh và nó đồng nghĩa sẽ không còn bất kỳ sự thừa nhận pháp lý nào đối với các cặp cùng giới trong Luật Hôn nhân và gia đình. Vì vậy, anh Huy kêu gọi: “Hãy để một luật ban hành ra có thể làm những người được luật điều chỉnh cảm thấy hạnh phúc”.