Theo kết luận thanh tra được Bộ Tài chính công bố ngày 29/4, không chỉ chi vượt quảng cáo, 4/5 công ty sữa chiếm 90% thị phần tại Việt Nam đã khai thiếu thuế tổng cộng 10,2 tỷ đồng.
Bên cạnh xử lý vi phạm đối với các công ty này, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ các giải pháp mạnh để thực hiện bình ổn giá sữa trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, cũng đã có những phản hồi đầu tiên từ doanh nghiệp về tính chính xác của các con số trong kết luận thanh tra.
Sẽ phải đăng ký giá
Kết luận thanh tra cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2014, về việc thanh tra, kiểm tra việc tăng giá sữa. Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế tại 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa (gồm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), từ ngày 10/3/2014 đến ngày 10/4/2014.
Các công ty này chiếm thị phần khoảng 90% các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với hình thức bán hàng chủ yếu là mua đứt, bán đoạn thông qua hệ thống các nhà phân phối. Có 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối và có 2/5 công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước.
Theo kết quả thanh tra, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, 5 công ty sữa đều có việc điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (không có trường hợp giảm giá).
Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, mức xử phạt vi phạm hành chính về giá là 45 triệu đồng.
Bộ Tài chính cũng phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách nhà nước năm 2013 với số tiền là hơn 10,2 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu phải nộp là hơn 5,24 tỷ đồng. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng phải nộp là hơn 2,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là gần 1,9 tỷ đồng. Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng phải nộp là hơn 317 triệu đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị đã chi vượt mức quy định. Số tiền chi phí kinh doanh chi vượt tại 4/5 công ty là 386 tỷ đồng, làm tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 2,18% đến 16,39%.
Cụ thể, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng. Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng. Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ đồng. Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành).
Bên cạnh các giải pháp xử lý trên, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại điều 17 của Luật Giá. Dự kiến, sau khi Chính phủ có nghị quyết, sẽ thực hiện một số biện pháp. Thứ nhất, thực hiện biện pháp đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thứ hai, thực hiện biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Vinamilk lên tiếng
Một ngày sau khi Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra nói trên, đại diện Vinamilk đã có phản hồi với kết luận này vì e ngại có sự hiểu nhầm với người đọc.
Cụ thể, về kết quả thanh tra việc chấp hành về giá và thuế tại 5 công ty sữa, Vinamilk bị nêu là kê khai thiếu số tiền thuế 2.745.849.764 đồng cần truy thu; và "chi quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành)" được nêu cùng đoạn với các doanh nghiệp bị chi vượt mức quảng cáo theo quy định.
Tuy nhiên, theo Vinamilk, sau khi thanh tra loại trừ các chi phí không được tính vào chi phí hợp lý cho sản xuất kinh doanh thì Vinamilk cần phải kê khai nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng là 2,7 tỷ đồng, chứ không phải Vinamilk cố ý không kê khai để bây giờ bị truy thu. Năm 2013, Vinamilk nộp thuế cho nhà nước gần 3.500 tỷ đồng.
Thứ hai, khoản 811 tỷ đồng chi phí cho quảng cáo là chi phí cho toàn bộ ngành hàng của Vinamilk chứ không chỉ riêng cho sản phẩm sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi. Vinamilk là công ty duy nhất không bị chi vượt mức quy định về quảng cáo trong số 5 công ty sữa bị thanh tra.