Chuyển đổi từ Phòng Công chứng (PCC) thành Văn phòng Công chứng (VPCC) có thông qua đấu giá hay không là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, các tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi cả nước.
Để rộng đường dư luận, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng mới nhất, Bộ Tư pháp đã đưa ra hai phương án lấy ý kiến.
Chuyển đổi để tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa
Theo Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC thì UBND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi PCC thành VPCC và giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển đổi PCC thành VPCC.
Trong một cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định mới đây, nhiều ý kiến đồng tình cao việc quy định nguyên tắc chuyển đổi PCC thành VPCC nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, giảm về đầu tư ngân sách, nguồn nhân lực của Nhà nước, phát triển mạnh VPCC, nhất là đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển đổi phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và viên chức, người lao động đang làm việc tại PCC.
Riêng vấn đề xác định không cần thiết duy trì PCC, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi Dự thảo chưa rõ một số khái niệm kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng tại địa bàn đã đạt mức độ cao, số lượng hợp đồng, giao dịch nhiều, tạo được sự tin cậy trong nhân dân… từ đó có thể dẫn đến tình trạng “lạm quyền” của UBND.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tỏ rõ sự lo ngại khi Dự thảo quy định chuyển đổi phải thông qua phương thức đấu giá. Bởi, công chứng viên của các PCC sẽ đứng ở “thế yếu” hơn những người tham gia đấu giá khác, nhất là về tiền bạc. Trong khi đó, cán bộ, công chứng viên các PCC là những người đã gắn bó, tâm huyết cả cuộc đời với sự nghiệp công chứng. Nếu như họ không trúng đấu giá thì họ sẽ có thể bị chấm dứt công việc bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để xã hội hóa, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước thì đã đến lúc phải chuyển đổi, và đấu giá là hình thức bảo đảm sự công bằng. Tất nhiên, việc chuyển đổi cần phải có lộ trình phù hợp.
Trả giá ngang nhau: Ưu tiên công chứng viên đang làm việc tại PCC
Để rộng đường, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã đưa ra 2 phương án.
Phương án thứ nhất: Tất cả các công chứng viên đang hành nghề tại địa phương đều có quyền nộp hồ sơ tham gia đấu giá “quyền nhận chuyển đổi PCC”.
Dự thảo Nghị định quy định “quyền nhận chuyển đổi” PCC phải được đưa ra đấu giá công khai. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan, Hội Công chứng ở địa phương (nơi có Hội Công chứng) xác định giá khởi điểm của “quyền nhận chuyển đổi PCC” để tiến hành đấu giá trong các công chứng viên có nhu cầu nhận chuyển đổi. Trường hợp các công chứng viên đăng ký tham gia đấu giá trả giá ngang nhau thì các công chứng viên đang làm việc tại PCC được chuyển đổi được ưu tiên trúng đấu giá .
Đối với tài sản (trụ sở, trang thiết bị…) do PCC đang quản lý, sử dụng thì được xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đối với trụ sở làm việc mà Nhà nước giao cho PCC được chuyển đổi quản lý, sử dụng thì UBND xem xét, có thể ưu tiên cho VPCC mới được thành lập thuê làm trụ sở.
Phương án thứ hai: Không thực hiện đấu giá đối với “quyền nhận chuyển đổi PCC” mà PCC sẽ được chuyển đổi cho chính các công chứng viên đang làm việc tại PCC (công chứng viên không phải trả chi phí để được quyền nhận chuyển đổi).
Dự thảo Nghị định quy định phương thức chuyển đổi PCC theo quy trình hành chính, không thực hiện việc đấu giá “quyền nhận chuyển đổi PCC. Theo phương án này, chỉ chuyển đổi về mô hình hoạt động từ PCC sang VPCC, còn về cơ bản, toàn bộ công chứng viên, người lao động của PCC được chuyển đổi sẽ chuyển sang làm việc tại VPCC được thành lập trên cơ sở PCC được chuyển đổi. Tài sản của PCC (trụ sở làm việc, trang thiết bị…) sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.