Lo chuyện “làm xấu thêm nợ xấu”

09:23, 30/09/2014

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, đến nay nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý, còn điều đáng lo ngại là cách xử lý nợ xấu thời gian qua dường như chỉ “làm xấu thêm nợ xấu”.

Cùng những quan tâm đến tăng trưởng tín dụng trong điều kiện nền kinh tế “khát vốn”, cách xử lý nợ xấu là mối quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) gửi đến Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua (29/9).

 

Không để che giấu nợ xấu

 

Lo ngại trước vòng luẩn quẩn “doanh nghiệp thiếu vốn, dẫn đến nợ xấu, tăng trưởng tín dụng chậm”, ĐB Phùng Văn Hùng muốn Thống đốc NHNN khẳng định “có giải quyết được tình trạng đó không”, nhất là khi nợ xấu đang làm tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế, suy giảm “sức khỏe” của các doanh nghiệp vốn “ốm yếu” do thiếu vốn. Còn ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) băn khoăn về cách thức xử lý nợ xấu vì ĐB cho rằng “cách xử lý nợ xấu thời gian qua làm “xấu thêm nợ xấu”.

 

Thống đốc NHNN cho biết, để giải quyết tình trạng nợ xấu đang “làm khó” cả hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế sự gia tăng của nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý dù nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014. Với tốc độ xử lý hiện nay, nợ xấu của toàn hệ thống theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), phần đã cơ cấu lại nợ sẽ ở mức khoảng trên 3%. Còn theo giám sát của NHNN, sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 6% vào cuối năm nay.

 

Ông Bình cũng giãi bày, một khó khăn trong chương trình cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu là về cơ bản không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn.

 

Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với NHNN trong cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả nên thời gian qua, kết quả đạt được về cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu chủ yếu do những nỗ lực và sự chủ động của ngành ngân hàng.

 

“Vốn” không đến được với dân vì... triển khai

 

Tăng trưởng tín dụng là một trong những mục tiêu hàng đầu của phát triển ngành ngân hàng. Làm rõ thắc mắc về tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao như các năm trước (bình quân 10 năm trước là 34%), Thống đốc NHNN khẳng định, 3 năm liên tiếp ngành ngân hàng đã bám sát và dự báo sẽ thực hiện được kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 12-14%. Dù không cao bằng những năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua hoàn toàn phù hợp với “sức khỏe” của nền kinh tế. “Nếu tăng trưởng tín dụng với tốc độ như trước đây sẽ gây nguy cơ lạm phát trong những năm tới” – Thống đốc cho biết thêm.

 

Trong điều kiện đó, thực tế đang cho thấy người dân và doanh nghiệp “rất khó tiếp cận vốn tín dụng” như phản ánh của ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông). Lý giải về bất cập này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, “chính sách đã có nhưng quá trình triển khai các chính sách “muôn hình vạn trạng” nên mới dẫn đến tình trạng như vậy. Cơ chế, chính sách có mà không cụ thể, sâu sát thì bỏ qua khả năng cho vay tín dụng”.