Tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

07:59, 16/09/2014

Sáng 15/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tình hình tham nhũng còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong khi các các giải pháp đưa ra  vẫn "nhạt" như mọi năm, chưa tạo được bước đột phá trong công tác PCTN.

Số vụ phát hiện tham nhũng, đặc biệt các vụ án lớn còn thấp

 

Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, năm 2014, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như: vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản” xảy ra tại công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… đã được khẩn trương, xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng...

 

Tuy nhiên, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình vướng mắc. Nhất là, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp (trên 10%).

 

Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành. Còn người dân thì chưa tin vào việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng, trong khi người tố cáo vẫn bị trù dập, trả thù…

 

Chính phủ nhận định, tính hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

 

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: Báo cáo của Chính phủ không đề cập đến tính nghiêm trọng của tình hình tham nhũng. Tuy nhiên, qua công tác giám sát, khảo sát, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Tình hình tham nhũng diễn ra ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, các địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và đáng quan tâm là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát tài sản nhà nước đặc biệt lớn.

 

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng chỉ ra, báo cáo không đề cập đến thực tế tình hình tham nhũng nghiêm trọng, tinh vi. Tại sao số vụ phát hiện nhiều nhưng chuyển sang xử lý hành sự rất ít (40 vụ, 47 đối tượng) và đã phản ánh đúng thực tế?. Nhấn mạnh qua tiếp xúc, ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Cử tri rất bất bình về tình hình tham nhũng. Tại sao người dân chưa tin vào giải quyết của cơ quan chức năng?.

 

Trả lời các ĐB, Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Không chỉ ở nước ngoài mà Việt Nam đưa ra đánh giá về tình hình tham nhũng như thế nào cho sát với thực tiễn là rất khó, vì đây là tội phạm ẩn, hành vi ẩn. Việc đánh giá đúng, trúng, khách quan tình hình tham nhũng rất khó khăn. Phó Tổng Thanh tra cho biết, không có cơ sở nào để khẳng định, phát hiện tất cả các vụ việc tham nhũng.

 

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Phó Tổng thanh tra cho biết: Việc sai phạm nhiều nhưng chuyển hình sự còn ít là do hai yếu tố: PCTN có nhiều mục tiêu, trong đó có cả phòng ngừa, phát hiện; mặt khác, do chưa hình sự hóa hết các hành vi tham nhũng, mới có 7/12 hành vi được quy định là tội tham nhũng, còn lại là xử lý hành chính.

 

Về việc báo cáo nhận định người dân chưa tin vào kết quả PCTN, Phó Tổng thanh tra nêu rõ, đây là vấn đề đáng lo ngại. Đây là thực tế do một phần người dân không được bảo vệ và một phần người dân chưa tin. “Toàn xã hội phải chia sẻ về vấn đề này để xử lý và bảo vệ người tố cáo tham nhũng tốt hơn”, Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng nói.

 

Cần quyết liệt trong chống "giặc nội xâm"

 

Tại phiên họp, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: Năm nào cũng báo cáo chỉ thu hồi được hơn 10% tài sản tham nhũng, vậy 90% còn lại kiến nghị không đúng, hay kiến nghị “để đấy” để hành vi tội phạm còn tồn tại? Kiến nghị vẫn như mọi năm - “nhạt”. Phải chăng việc xác định và kiến nghị chung chung nên chưa tạo được bước đột phá trong chống tham nhũng?

 

ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP. Hồ Chí Minh), ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) và các đại biểu khác thẳng thắn hỏi: Tại sao tỷ lệ phát hiện và thu hồi sau thanh tra còn rất thấp?

 

Lý giải về việc việc thu hồi tài sản sau thanh tra thấp ( chỉ hơn 10%), Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Tỷ lệ 10% chỉ liên quan đến các vụ án xử tuyên là có tội. Thực tế, số tài sản thu hồi còn qua cả hoạt động kiểm toán và thanh tra. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, đã có hành vi vụ lợi thì cũng là tham nhũng. Năm 2014, thu hồi của thanh tra và kiểm toán đã tăng lên với 68,5% (năm 2013 chỉ có hơn 50%).

 

Theo Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng, khó khăn do quản lý tài sản, thu nhập người có chức vụ , quyền hạn chưa tốt, chưa hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng đề án về vấn đề này và đang khẩn trương làm, tới đây trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

 

Dưới góc độ của cơ quan điều tra, Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) phân tích thêm: Khi cơ quan điều tra phát hiện, có những vụ án thiệt hại ban đầu chỉ là ước tính, nhưng sau khi điều tra có số liệu sai. Trong khi, làm án tham nhũng có những vụ 2-3 năm, không phải thu hồi được ngay mà thu hồi mỗi năm một ít.

 

Song, nguyên nhân chính được chỉ ra là, khi phát hiện án tham nhũng thì tội phạm đã hoàn thành, tài sản đã bị phân chia, có trường hợp tài sản tẩu tán đưa ra nước ngoài hay tội phạm bỏ trốn.

 

Giải đáp băn khoăn của các ĐB về số vụ tham nhũng trong thời gian qua phát hiện ít, Trung tướng Trần Đăng Yến cho rằng: Khó khăn do quản lý tài sản, kiểm soát tài sản của người có chức vụ chưa tốt, chưa hiệu quả; xảy ra ngay và phát hiện ngay là khó. “Các vụ án chúng tôi đang điều tra đều xảy ra từ nhiều năm trước, nhiều vụ phải trinh sát từ nhiều năm, điều tra khó khăn. Ví dụ: chưa khởi tố thì ngân hàng chưa cung cấp thông tin; đối tượng trốn trước khi khởi tố...”,  Trung tướng Trần Đăng Yến nói.

 

Trung tướng Trần Đăng Yến nhấn mạnh: Tham nhũng là “giặc nội xâm”, phải coi đây là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia để cơ quan Công an có thể áp dụng các biện pháp tương tự ngay từ đầu mới ngăn ngừa, phát hiện được.

 

Để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản sau thanh tra, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong đề xuất, tăng cường biện pháp điều tra, kê biên, phong tỏa tài sản và tài khoản.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị: Khắc phục tính hình thức PCTN trong tình hình hình hiện nay. Việc thu hồi tài sản ngoài số báo cáo chung, nên làm rõ từng cơ quan kiểm toán, thanh tra, tố tụng thu hồi được bao nhiêu?./.

 

 

Trong năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã triển khai 6.877 cuộc thanh tra hành chính và 150.932 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 31.510 tỷ đồng, 3.739,3 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hơn 29.991 tỷ đồng và hơn 2.689 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý hơn 4.519 tỷ đồng, 1.050 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.552 tập thể, 2.753 cá nhân; ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra hình sự 40 vụ, 47 đối tượng.

 

Toàn ngành thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra 3.614 kết luận, thu hồi và xử lý hơn 9.935/15.184 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 65,4%, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013) và 1.763 ha đất.

 

Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện KSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội phạm tham nhũng. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm 2013 là 31,2%).