Chưa làm rõ được mô hình tổ chức chính quyền địa phương

08:14, 01/10/2014

Cho ý kiến về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chiều 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật này không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) sau 11 năm thi hành mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. 

Nhấn mạnh việc quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nhưng nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa làm rõ. Điều này cũng dẫn đến các quy định liên quan chưa cụ thể và chưa thuyết phục.

 

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, dự thảo Luật trình 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

 

Phương án 1 quy định HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn; ở quận, phường tổ chức UBND mà không tổ chức HĐND, chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm.

 

Phương án 2 là HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

 

Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

 

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị, theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương cần làm rõ các khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”, để từ đó xác định được ở những loại đơn vị hành chính nào thì tổ chức “cấp chính quyền địa phương” (gồm HĐND và UBND) và ở đơn vị hành chính nào không tổ chức cấp chính quyền địa phương.

 

Trường hợp tổ chức “cấp chính quyền địa phương” gồm HĐND và UBND tại đơn vị hành chính thì dự thảo Luật phải làm rõ mối quan hệ giữa HĐND và UBND cùng cấp để thể hiện sự gắn kết, thống nhất giữa các cơ quan này dưới một hình thức mới là cấp chính quyền địa phương. Trường hợp không tổ chức cấp chính quyền ở đơn vị hành chính như quận, phường thì dự thảo Luật cần làm rõ tên gọi của cơ quan hành chính và mối quan hệ của cơ quan này với chính quyền địa phương cấp trên.

 

Ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần cụ thể những điểm chung và khác biệt cơ bản về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở những đơn vị hành chính này, từ đó mới xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Theo ông Phan Trung Lý, trong Tờ trình chưa làm rõ những đặc điểm này, đồng thời cũng chưa lý giải thấu đáo vì sao không tổ chức HĐND ở quận, phường trong khi các đơn vị hành chính tương đương khác cũng có tính chất đô thị như thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn vẫn tổ chức HĐND?

 

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng Dự thảo Luật vẫn gọi tên cơ quan hành chính ở nơi không tổ chức HĐND là UBND, là cơ quan đại diện của UBND cấp trên trực tiếp tại địa bàn, chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên (khoản 2 Điều 9 phương án 1) sẽ dẫn đến trường hợp mặc dù cùng có tên gọi là UBND nhưng vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND ở nơi tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND có sự khác nhau rõ rệt (cơ quan đại diện của UBND cấp trên, do UBND bổ nhiệm, cách chức.., trong khi UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu - Điều 114 Hiến pháp).

 

Không những thế, UBND ở nơi tổ chức HĐND phải chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trong khi UBND ở nơi không tổ chức HĐND chỉ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên. Theo Ủy ban Pháp luật, điều này có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tại các văn bản quy phạm pháp luật khác (cả hiện hành lẫn các văn bản sẽ được ban hành sắp tới).

 

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, một số điểm mới trong Hiến pháp chưa được thể chế rõ nhưng trong luật này; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống luật, đặc biệt là các luật tổ chức.

 

Việc xác định mô hình chính quyền địa phương thế nào là rất quan trọng vì quyết định phân công thẩm quyền. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tờ trình phải nói cho được ưu nhược điểm, thuận lợi và khó khăn để trình Quốc hội xin ý kiến.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề Hiến pháp quy định công dân bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, việc có nơi tổ chức và nơi không tổ chức HĐND có xâm phạm gì quyền này không?

 

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Do đó, Luật này phải thể chế hóa.

 

Nhấn mạnh về thời gian hoàn thành dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, làm rõ thêm để trình Quốc hội thảo luận, sau đó hoàn chỉnh báo cáo Trung ương./.