Gần 80% quán bar, karaoke ở Hà Nội không đủ lối thoát nạn

14:22, 30/10/2014

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 29/10.  

Theo thành phố Hà Nội, nhiều cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, bar, vũ trường, câu lạc bộ) không đảm bảo các điều kiện, giải pháp kỹ thuật PCCC về: đường giao thông, khoảng cách an toàn, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, mặt bằng, phần lớn (771 cơ sở) không đảm bảo lối thoát nạn...

 

Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với kết quả kiểm tra như trên, nếu xảy ra cháy tại các cơ sở này thì nguy cơ thiệt hại về người là rất cao.

 

"Hà Nội đã làm quyết liệt trong PCCC nhưng vẫn để xảy ra nhiều vụ cháy lớn. Nguyên nhân là do công tác quản lý lỏng lẻo, chưa nghiêm túc, lực lượng cảnh sát PCCC còn nể nang. Tôi đề nghị thành phố siết chặt chặt hơn nữa công tác PCCC đối với những nơi có nguy cơ cao, trong đó có các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí", Trung tướng Thành nói.

 

Nói về những khó khăn, bất cập trong công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, hiện thiếu nguồn nước chữa cháy nghiêm trọng.

 

Ông Sơn thông tin, Hà Nội có trên 1.500 trụ nước chữa cháy tập trung tại 11 quận, thị xã và một số huyện. Nguồn nước trên chỉ đáp ứng một phần yêu cầu cấp nước chữa cháy trên địa bàn thành phố.

 

“Theo quy định, cứ 150 mét đường phố phải có 1 trụ nước chữa cháy. Do đó thành phố phải có trên 6.000 trụ nước chữa cháy mới đảm bảo yêu cầu cung cấp nước. Hiện còn thiếu khoảng 5.000 trụ so với yêu cầu”, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC nêu.

 

Được đề nghị phát biểu về kinh nghiệm rút ra sau vụ cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh ngày 18/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra hạn chế về thiếu nước chữa cháy.

 

Lãnh đạo huyện Mê Linh kể, hôm đó, thành phố đã huy động khoảng 20 xe cứu hỏa, chở nước của lực lượng cảnh sát PCCC và Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô nhưng vẫn không đủ nước. Sau đó phải huy động 3, 4 xe chở nước của Công ty rau sạch Sông Hồng, mỗi xe chở được khối lượng nước gấp nhiều lần xe của cứu hỏa.

 

Phó Chủ tịch Mê Linh đề nghị thành phố nên quy hoạch hồ điều hòa trong các khu công nghiệp, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường và cung cấp nước khi có hỏa hoạn.

 

Đồng tình với đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, rất nhiều khu công nghiệp không có hồ điều hòa. “Nếu xảy ra cháy thì lấy nước ở đâu?”, ông Sơn đặt vấn đề.

 

Phó Chủ tịch thành phố cho hay, lãnh đạo Hà Nội rất quan tâm đến công tác PCCC. Hàng nghìn tỷ  đồng đã được đầu tư và đang có nhiều gói thầu hàng trăm tỷ cho lưc lượng cảnh sát PCCC.

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hà Nội cho rằng, ý thức về PCCC của một số cơ quan đơn vị của thành phố lại chưa tốt. Ngay hội nghị quan trọng hôm nay, nhiều đơn được mời nhưng không tham dự như Sở Quy hoạch kiếm trúc, Sở Tư pháp, Ban quản lý đầu tư khu đô thị mới Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...

 

“Phải nâng cao nhận thức từ chính chúng ta rồi mới yêu cầu các doanh nghiệp, người dân ý thức về PCCC được. Văn phòng ủy ban làm văn bản nhắc nhở các đơn vị trên”, Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu.

 

Ông Lê Hồng Sơn đề nghị Sở cảnh sát PCCC thành phố, bổ sung biên chế, trang thiết bị các đơn vị PCCC hiện có, để đảm bảo làm chủ tình hình khi xảy ra sự cố cháy nổ. Đề nghị ngành giáo dục đưa vào trường học giảng dạy kỹ năng sống về PCCC.

 

“Phải tiếp tục kiểm tra và đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC nhà cao tầng, phố cổ, trung tâm thương mại, cơ sở vui chơi giải trí... Sở Tài nguyên môi trường rà soát toàn bộ các dự án, những khu vực có nguy cơ cháy nổ phải có trụ nước”, ông Sơn chỉ đạo.