Đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng: Những tác động tích cực

14:35, 30/11/2014

Theo thông tin từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đầu năm 2014 đến nay toàn tỉnh có 13 vụ án tham nhũng, 18 đối tượng bị khởi tố. Trong đó, đã xét xử 4 vụ, 5 đối tượng tham nhũng bị kết án. Tổng tài sản tham nhũng và gây thiệt hại do tham nhũng được phát hiện là trên 4 tỷ đồng và hơn 7ha đất. Các vụ tham nhũng bị đưa ra ánh sáng tuy chưa nhiều và chủ yếu do nhân dân tố giác, nhưng đã có những tác động tích cực góp phần răn đe, ngăn ngừa tham nhũng.

Năm nay, trường hợp tham nhũng bị phát hiện và xét xử được dư luận quan tâm nhất chính là vụ ông Vương Sỹ Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) nhiệm kỳ 2004-2010. Trong thời gian tại chức, ông này đã có hành vi lợi dụng quyền hạn, chiếm đoạt số tiền 80,6 triệu đồng. Ông Tạo đã ký xác nhận bán đất cho công dân nhưng khi thu tiền lại không thông qua hệ thống kế toán xã để nộp vào quỹ chung mà giữ lại cho cá nhân. Vụ việc đã được Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên xét xử tại Bản án số 540/2004/HSST ngày 30-9-2014. Kết quả, đã thu hồi 40,6 triệu đồng và 398m2 đất sai phạm. Vụ việc tham nhũng của ông Tạo được đưa ra ánh sáng là nhờ phát hiện thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND Thành phố. Sau khi vụ việc được đưa ra xét xử, dư luận quần chúng nhân dân xã Tân Cương rất đồng tình. Ông Trần Văn T. xóm Hồng Thái tâm sự: Sự nhập nhằng trong việc ký mua, bán đất của ông Tạo bị chúng tôi phát hiện và có ý kiến đã lâu. Người dân chúng tôi làm đơn gửi lên cơ quan có thẩm quyền và được thụ lý, điều tra, xét xử đúng người, đúng tội. 

 

Một vụ việc khác cũng thu hút sự quan tâm không kém là trường hợp tham ô tài sản với giá trị lên tới 1,6 tỷ đồng của ông Dương Quốc Chính, nguyên là Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Lương thực Thái Nguyên tại huyện Phổ Yên. Trong quá trình công tác, ông Chính đã giữ lại một phần tiền bán hàng của Chi nhánh mà không nộp về Công ty theo quy định. Ông này đã giữ lại để sử dụng vào việc cá nhân. Hiện nay, cơ quan pháp luật của tỉnh đang tiến hành các bước điều tra, hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xét xử.

 

Vụ việc ông Long Văn Ngán, cán bộ địa chính xã Na Mao (Đại Từ) lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và đang bị Công an huyện thụ lý điều tra cũng là một trong những trường hợp điển hình. Ông Ngán đã có hành vi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sai quy định đối với diện tích, trên 7,4ha.

 

Cùng với các vụ việc trên, một số trường hợp tham nhũng đáng chú ý khác cũng được phát hiện và điều tra gồm: Trường hợp của ông Vũ Đức Bửu, nguyên cán bộ địa chính - xây dựng phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) với hành vi thu tiền của các hộ dân tổ 27 trái quy định, số tiền tham ô là 501 triệu đồng; bà Hoàng Thúy Lan, Kế toán trưởng Trường tiểu học Lâu Thượng (Võ Nhai), năm 2013 đã lập khống 70 bộ chứng từ mua tài sản để tham ô số tiền 597 triệu đồng; ông Mai Văn Quảng, cán bộ làm việc tại Công ty CP Giống cây trồng có hành vi tham ô số tài sản 696 triệu đồng; nhóm đối tượng gồm ông Lê Xuân Hộ, Phó Tổng Giám đốc, ông Đoàn Bá Huấn, Dương Minh Vang đều là cán bộ Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ làm thiệt hại trên 161 triệu đồng; ông Lê Chí Lam, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh có hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 295 triệu đồng...

 

Kết quả nói trên đã phần nào cho thấy, nỗ lực phòng, chống tham nhũng và giải quyết các vụ việc tham ô, tham nhũng của tỉnh năm 2014 là đáng ghi nhận. Trong năm, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung triển khai minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập; thanh toán, trả lương qua tài khoản... Các cơ quan chuyên môn cũng đã tăng cường phát hiện, điều tra, xét xử các vụ việc tham nhũng, ngăn chăn một số trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, dư luận nhân dân vẫn cho rằng, còn nhiều trường hợp tham ô, tham nhũng khác chưa được phát hiện, đưa ra ánh sáng. Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn còn hình thức. Thực tế cho thấy, các vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu do nhân dân tố giác hoặc do giải quyết đơn tố cáo của công dân và nhờ quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Tuyệt nhiên không có vụ việc tham nhũng nào được phát hiện qua công tác tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn sẽ tiếp diễn hết sức phức tạp, tiềm ẩn diễn ra ở một số lĩnh vực nhạy cảm như: Đất đai, xây dựng, giao thông, tài chính, ngân sách, quản lý tài sản công... Điều này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương trong tỉnh phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng. Các cán bộ, công chức, cá nhân cần giữ vững lập trường quan điểm, không ngã lòng trước những cám dỗ để không phải hối hận vì mang tội tham nhũng.

 

Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2014 tỉnh đã mở 55 lớp tập huấn, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho trên 12 nghìn lượt người; tiến hành kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch ở 64 cơ quan, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng đối với 183 trường hợp; 44 đơn vị được kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử cán bộ, công chức; 251 đơn vị, tổ chức áp dụng công nghệ quản lý hành chính và phương thức thanh toán theo tiêu chuẩn ISO để tránh xa tham nhũng.