Giám sát và phản biện xã hội phải thực chất, không chồng chéo

09:30, 06/11/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 5/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.

Về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước,...”, nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.

 

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực Nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

 

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đại biểu cho rằng việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có thêm những quy định cụ thể để việc phản biện xã hội không bị hình thức, chồng chéo với cơ quan khác...

 

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thông báo công khai trước Quốc hội cho nhân dân biết Mặt trận đã phản biện vấn đề gì giữa 2 kỳ họp Quốc hội.

 

Đồng tình với chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng nếu quy định quá rộng sẽ không khả thi, lại chồng chéo với các cơ quan khác. “Mặt trận không có thiết chế để ra chế tài trực tiếp khi thực hiện giám sát, phản biện. Vì vậy, cần thêm quyền lực để gây sức ép với các cơ quan quản lý của Mặt trận thì giám sát, phản biện mới có hiệu quả, nhất là trong trường hợp giám sát, phản biện về tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền phân tích.

 

Nhấn mạnh việc phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam nhất thiết phải mang tính nhân dân, đại biểu Bùi Nguyên Súy (Sơn La) đề nghị dự thảo Luật phải đưa ra mục đích, nội dung và đối tượng phản biện.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ tính pháp lý của việc phản biện xã hội, phải nêu cụ thể các vấn đề, không nêu chung chung, khi vào thực tế sẽ không làm được.

 

Đồng tình với việc sửa đổi Luật, nhưng đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật vẫn nặng về phản biện các văn bản pháp luật, chưa thể hiện được yêu cầu của cuộc sống và vai trò của Mặt trận...