Đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

08:13, 25/12/2014

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Đánh giá, lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 179/2013 ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.  

Theo Tổng cục Môi trường, năm 2013 triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013, trong đó quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải có tính răn đe, có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.

 

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định này đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh những mặt tích cực như khung và mức phạt đã được chi tiết hóa, mức phạt tiền được tăng cao, đảm bảo sự công bằng trong quá trình xử lý… Nghị định cũng đã bộc lộ một số tồn tại cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là có sự thay đổi lớn các quy định, các hành vi vi phạm khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực thi hành.

 

Năm 2015, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương triển khai thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, đồng thời phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

 

Góp ý xây dựng Nghị định, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) Lương Duy Hanh cho biết, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung nhằm cập nhật các quy định mới theo Luật BVMT 2014 và sửa đổi các hành vi vi phạm cho phù hợp như: quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, quản lý chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu, tàu cũ để phá dỡ; BVMT trong các lĩnh vực.

 

Bên cạnh đó, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP cần được nghiên cứu sửa đổi nhóm hành vi về bảo tồn đa dạng sinh học, vì hiện nay các quy định trong Nghị định số 179/2013/NĐ-CP rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và phương pháp tính mức phạt không phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan thực thi.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu là đã tập trung trao đổi, thảo luận và góp ý các nội dung cụ thể về các ưu, nhược điểm và tồn tại của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP; đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và Luật BVMT 2014. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần giảm mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính, tăng mức phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; xem xét lại mức phạt đối với hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; bổ sung quy trình, thủ tục về đình chỉ, tạm thời đình chỉ các cơ sở vi phạm.