Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hộ tịch theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Luật Hộ tịch được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
“ Luật có nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác hộ tịch theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, Thứ trưởng khẳng định.
Cụ thể, Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, cấp số định danh cá nhân (khi đăng ký khai sinh) là số thẻ căn cước công dân được cấp khi công dân đủ 14 tuổi.
Trước băn khoăn của xã hội về việc giấy khai sinh có cần thiết khi đã có thẻ căn cước công dân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chỉ rõ: “Cách hiểu khi có căn cước công dân không cần giấy khai sinh là hiểu lầm lớn vì đây là giấy tờ quan trọng đối với bất kỳ công dân nào, nhất là từ khi khai sinh đến trước khi có thẻ căn cước công dân (đủ 14 tuổi). Đây là giấy tờ vô cùng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, là căn cứ xác định thông tin hộ tịch gốc của công dân”.
Luật Hộ tịch cũng mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch. Theo đó, Luật quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống mà không phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Trong trường hợp, nếu không đăng ký ở nơi thường trú thì phải thông báo cho UBND xã, phường nơi công dân cư trú. Người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép.
Luật cũng quy định rõ miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
Mặt khác, thủ tục đăng ký hộ tịch trong Luật Hộ tịch được qui định theo hướng đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch, riêng một số việc hộ tịch quan trọng liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân là kết hôn và khai sinh thì được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Theo Luật Hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ được xây dựng để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân song song với cơ sở dữ liệu giấy, đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất, các bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Lý giải cho việc thực hiện song song cơ sở dữ liệu hộ tịch trên cả cơ sở dữ liệu giấy, đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: “Việc lưu giữ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là định hướng, cần giai đoạn, nền tảng, thời gian dài để xây dựng. Ở các nước phát triển, cũng thực hiện duy trì trên cả hai hình thức để phòng ngừa những rủi ro nhất định” .
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch hiện nay, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ này, dự kiến từ nay đến năm 2016 phải chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch và đến trước ngày 1/1/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này.../.