Chống tham nhũng không chỉ là xét xử nghiêm minh

11:41, 09/01/2015

Năm 2014, hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhiều quan chức có hành vi tham nhũng đã bị kết tội với mức án thích đáng. Ðiều này không chỉ thể hiện quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), mà còn cho thấy không có "vùng cấm", không có ai là ngoại lệ trong công tác PCTN và không có đối tượng phạm tội nào là không thể bị xử lý. Tuy nhiên, để công tác PCTN thật sự đạt hiệu quả, "quyết tâm đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh" là chưa đủ.  

Lộ nhiều lỗ hổng quản lý

 

Năm 2014, một loạt án kinh tế, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân. Các mức án nghiêm minh đã được tuyên, với nhiều án tử hình, trong đó có Dương Chí Dũng nguyên Chủ tịch HÐQT và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Ðác Lắc - Ðác Nông. Các bị cáo khác như Nguyễn Ðức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như đều bị tuyên các mức án từ 30 năm tù đến chung thân.

 

Cùng với việc xét xử những vụ án tham nhũng, nhiều đối tượng có dấu hiệu bao che, "bảo kê" cho tội phạm cũng được tập trung đấu tranh, xử lý, trong đó đã truy tố, xét xử nhiều cán bộ cao cấp trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ðặc biệt đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác mà đối tượng điều tra là cán bộ cấp cao, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Ðiều này cho thấy quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong "cuộc chiến" với tệ nạn tham nhũng, nhằm làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

 

Trong năm 2014, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tập trung đấu tranh, phát hiện và điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Ðại Dương - OceanBank; vụ án tại Dự án đường sắt đô thị số 1, vụ án tại Tổng công ty dược Việt Nam Pharma... Những vụ án trọng điểm này sẽ được truy tố, xét xử trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, qua các vụ án đã được xét xử cho thấy, đấu tranh PCTN vẫn được chú trọng ở "phần ngọn", khi mà hành vi phạm tội đã hoàn thành và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Riêng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, các đối tượng đã gây thiệt hại cho xã hội khoảng bốn nghìn tỷ đồng, còn vụ án xảy ra tại Vinalines, việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Trong khi đó, việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra đạt thấp. Theo Thanh tra Chính phủ, thu hồi tài sản trong các vụ việc liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra mặc dù đã tăng 18,3% so với năm 2013 nhưng cũng chỉ đạt mức 22,3% so với tổng số tiền thiệt hại.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức không hiệu quả, mang tính hình thức, dẫn đến không thu hồi được tài sản khi phát hiện hành vi tham nhũng. Nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh tế, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước chỉ được phát hiện sau khi hành vi phạm tội đã hoàn thành và các bị cáo đã bị đưa ra xét xử. Ở vụ án Công ty cho thuê tài chính II, các đối tượng đã khai tăng giá trị thiết bị lặn từ 100 triệu đồng lên đến 130 tỷ đồng (gấp 1.300 lần). Các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinalines đã nâng giá trị hợp đồng mua ụ nổi 83 M từ 2,3 triệu USD lên tới chín triệu USD. Những hành vi sai phạm nói trên vẫn qua mắt được hàng loạt cơ quan chức năng như hải quan, thuế, đăng kiểm, thẩm định giá... Trả lời trước tòa, Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng, không có ý định chiếm đoạt số tiền 4.000 tỷ đồng ngay từ đầu, nhưng thấy có những lỗ hổng trong quản lý kinh tế nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Cùng với lỗ hổng trong quản lý, các đối tượng phạm tội tham nhũng cấu kết rất chặt chẽ và làm tha hóa một bộ phận cán bộ Nhà nước tạo thành "nhóm lợi ích" trong hoạt động tham nhũng, điển hình là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinalines. Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, thẩm định giá... đều thừa nhận hành vi nhận tiền "chia chác" để làm ngơ việc nâng giá trị hợp đồng.

 

Một yếu tố khiến công tác PCTN chưa đạt hiệu quả cao là hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan thi hành pháp luật. Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Ðức Kiên, đại diện của nhiều cơ quan, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính đã tỏ ra lúng túng khi trả lời các câu hỏi liên quan đến việc áp dụng chính sách pháp luật trong hoạt động đầu tư, ngân hàng. Còn vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, qua hai cấp xét xử vẫn chưa xác định được bị cáo này có phạm tội tham ô hay không? Công tác trưng cầu giám định tư pháp nhằm làm rõ hành vi đối với tội phạm tham nhũng thường kéo dài, dẫn đến thời gian giải quyết án kéo dài theo, không chỉ gây khó khăn trong công tác thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát mà còn gây hoài nghi trong dư luận nhân dân. Thực tế cho thấy, cả mười vụ được xác định là "đại án tham nhũng" đều thuộc diện phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

 

Hình phạt đối với hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe cũng là nguyên nhân dẫn đến "tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp". Theo thống kê, tỷ lệ tội phạm tham nhũng được hưởng án treo năm 2014 chiếm tới 18,8% tổng số bị cáo bị xét xử. Bên cạnh đó, công tác quản lý cán bộ thiếu chặt chẽ và việc tự thanh tra, kiểm tra qua đó phát hiện sai phạm tại cơ quan, đơn vị không phát huy hiệu quả. Hầu hết các vụ tham nhũng đều do cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí phát hiện phanh phui, còn các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài đều do cơ quan chức năng nước ngoài phát hiện và đề nghị Việt Nam phối hợp điều tra xử lý, điển hình là vụ án tại Dự án đường sắt đô thị số 1.

 

Chặn tham nhũng từ gốc

 

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong thời gian tới vẫn có dấu hiệu diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trong các ngành kinh tế lớn. Do vậy, bên cạnh việc điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, điều quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bịt kín những lỗ hổng trong quản lý kinh tế, cũng như tăng cường giám sát cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, các vị trí "nhạy cảm" dễ phát sinh tham nhũng. Cải cách, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, tăng cường cơ chế tự giám sát, giám sát của người dân và toàn xã hội, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng. Có chính sách luân chuyển cán bộ ở những vị trí dễ phát sinh tham nhũng, nhằm giải quyết tình trạng "nhóm lợi ích" trong hoạt động tham nhũng.

 

Một yếu tố quan trọng nhằm phát huy hiệu quả công tác PCTN là nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, tập thể trong việc quản lý, giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm từng cán bộ, công chức. Có chính sách thu hút người có đức, có tài vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước và có cơ chế đãi ngộ xứng đáng với mục tiêu xây dựng bộ máy thật sự trong sạch, vững mạnh và hiệu quả. Có hình thức và chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi tham nhũng đã bị phát hiện, tăng sức răn đe, đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm mục tiêu đã đề ra là mọi tài sản tham nhũng đều phải được thu hồi.

 

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự đang được xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý hành vi kê khai tài sản không trung thực và tiến hành điều tra tài sản có giá trị lớn có dấu hiệu bất minh. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần có cơ chế hữu hiệu trong kiểm tra, xác minh sự trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập. Ðây vẫn đang là điều nan giải đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.