Hiện nay vẫn còn nhiều di tích sử dụng linh vật ngoại lai: sư tử đá, cá chép nhả ngọc... trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhằm hạn chế tình trạng này, căn cứ vào Điều 13 Luật Di sản về hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc, có thể phạt tiền lên tới 40 triệu đồng.
Một số di tích vẫn chây ỳ
Mới đây, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định... với 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Trong số này, có 22 di tích xuất hiện các biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ, trái thuần phong mỹ tục, phổ biến là sư tử đá, đèn đá, lọ hoa, đèn thờ, tượng Quan Âm Bạch y, lọ lục bình, cá chép nhả ngọc... nguồn gốc ngoại lai.
Tại Hà Nội, qua kiểm kê có tới 1.319 hiện vật lạ xuất hiện tại 538 di tích của 27/30 quận, huyện trên địa bàn. Trong đó có 317 tượng Quan Âm Bạch y, 464 đèn đá và 538 sư tử đá. Sau khi kiểm tra, đã có 146 sư tử đá (27%), 70 đèn đá (15%) được di chuyển. Tuy nhiên, vẫn có một số di tích chây ỳ chưa chuyển linh vật ngoại lai.
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết: “Khi xử lý linh vật ngoại lai, nếu không có chế tài, hình thức xử lý mà chỉ khuyến cáo thì khó làm việc. Nên căn cứ vào Điều 13 Luật Di sản về hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc, có thể phạt tiền lên tới 40 triệu. Chúng ta có thể lên kế hoạch xử lý vi phạm vào năm 2015”.
Đem linh vật ngoại lai đi đâu?
Là băn khoăn của các tỉnh, thành có di tích. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay: “Nơi định đưa vào kho, nơi lại tính đem chôn. Kinh phí di chuyển cũng chưa biết sao?”. Còn ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng lấn cấn: “Vấn đề của Đà Nẵng là xử lý thế nào với 4.500 cặp sư tử đá này”?
Trước sự băn khoăn này, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra gợi ý: “Cạnh Bảo tàng Hà Nội có một miếng đất của doanh nghiệp chưa xây dựng. Chúng ta có thể mượn tạm để chuyển tất cả di vật ngoại lai vào đây để làm một vườn tượng”. Nhưng sự gợi ý này chưa mấy thuyết phục, vì mượn thì phải trả. Lúc trả đất cho doanh nghiệp, vườn tượng di vật ngoại lai ấy lại “đứng ngã ba đường”, cơ quan chức năng lại tốn thêm kinh phí để chuyển đi nơi khác?
Mùa lễ hội năm 2015, theo Công văn 2662 về việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các công sở, di tích, khu du lịch... là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác thanh, kiểm tra. Mọi trường hợp gây phản cảm về thẩm mỹ, việc tu bổ, tôn tạo sai nguyên tắc đối với các di tích, đưa tượng thờ không phù hợp vào di tích... sẽ được chấn chỉnh. Từ đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để di dời, thay thế những biểu tượng phản cảm; tuyên truyền không sử dụng, cung tiến và nhận cung tiến những linh vật, vật phẩm lạ trái với văn hóa truyền thống./.
Sẽ “tổng tấn công” chữ lạ ở di tích
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, sau linh vật lạ, tới đây Bộ sẽ tính toán và có những quy định đối với việc sử dụng chữ viết tại các di tích đình, đền, chùa. Tuy nhiên, những quy định cụ thể như thế nào sẽ tiếp tục cần đến một quá trình rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tham vấn và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lo ngại hiện tượng câu đối rởm, hoành phi rởm đang là vấn đề rất bức xúc mà chưa được kiểm soát.
Nhiều đình, đền, chùa tự xây, tự dựng lên những hoành phi, câu đối, hoặc do người cung tiến tự ý đưa vào chùa. Nghịch lý là quản lý đình, đền, chùa nhưng nhiều vụ trụ trì hoặc ban quản lý di tích đều không biết chữ Hán, hoặc biết rất ít. Trước thực trạng này, giới học giả, nhà khoa học kiến nghị phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là “nhắm mắt” đưa bừa, gây ra tình trạng văn bia rác, thơ tục, câu đối sai cả về văn phong, ngữ nghĩa và chính tả đang xuất hiện ở nhiều chốn linh thiêng.