Hành chính tư pháp (bao gồm hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) là những lĩnh vực liên quan trực tiếp, hàng ngày đến công việc của dân. Vì thế, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này rất được xem trọng.
Một trong những điểm nhấn của cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm 2014 phải kể đến là việc Quốc hội đã thông qua Luật Hộ tịch với nhiều TTHC được cắt giảm. Cụ thể, từ 46 thủ tục hiện hành xuống chỉ còn 25 thủ tục và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu.
Luật cũng giao UBND cấp huyện đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên, xác định lại dân tộc là nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, khắc phục tình trạng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi; khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Đối với thủ tục giữ quốc tịch: Theo Luật Quốc tịch sửa đổi và Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thực hiện đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam. Trường hợp người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.
Trong lĩnh vực chứng thực, trước tình trạng quá tải bản sao ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình hình lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC; đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Theo đó, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.
Bước sang năm 2015, một trong các giải pháp quan trọng được Bộ Tư pháp thực hiện là sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khi thực hiện thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, bảo đảm chỉ ban hành những TTHC cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.