Luật hoá hơn nữa các quyền nhân thân

08:42, 04/03/2015

Để Bộ luật dân sự (sửa đổi) hội tụ được đầy đủ yếu tố pháp lý, nhanh chóng đi vào cuộc sống sau khi công bố, Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) từ ngày 5-1-2015.

Sau hơn 2 tháng tổ chức triển khai, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi). Ý kiến đóng góp vào Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân thông qua báo Thái Nguyên xin gửi về địa chỉ: Số 10 đường Nha Trang, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hoặc hộp thư điện tử: toasoan@baothainguyen.vn.

 

Sau đây, Báo Thái Nguyên lược ghi để giới thiệu tới bạn đọc ý kiến đóng góp vào Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) của đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh…

 

Quyền nhân thân đã được quy định rõ (từ Điều 26 đến Điều 51) trong Bộ Luật dân sự hiện hành và trong Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này, quyền nhân thân được quy định từ Điều 31 đến Điều 50. Số điều về quyền nhân thân trong Dự thảo bộ luật giảm so với Bộ luật dân sự hiện hành nhưng có nhiều sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, như: Quyền được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)…  Đồng thời, Dự thảo bộ luật bổ sung một số quyền mới, như: Quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống… Riêng Điều 51 của Dự thảo bộ luật đã quy định các quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo theo Hiến pháp, pháp luật. Như vậy, chúng ta có thể thấy, các nhà soạn thảo Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) đã không chỉ đề cao tính pháp ý mà còn đề cập, bảo vệ các quyền nhân thân của con người trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội.

 

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các điều quy định về quyền nhân thân trong Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi), tôi thấy có một số vấn đề nên được luật hoá hơn nữa để khi áp dụng vào thực tiễn sẽ khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, cũng như sự thuật lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, ý kiến đóng góp thứ nhất là, trong nhóm quyền nhân thân có 3 quyền lô gich với nhau đó là quyền có họ tên, quyền thay đổi họ tên và quyền thay đổi dân tộc. Trong Điều 31 của Dự thảo bộ luật có quy định về việc mang họ và tên đệm nhưng chưa rõ nên theo tôi cần ghi cụ thể: “Người mang quốc tịch Việt Nam phải có tên và chữ đệm là những từ thuần Việt…”. Điều này sẽ ngăn chặn được tình trạng một bộ phận người Việt Nam đã Âu hoá, Mỹ hoá hay sử dụng các tên của người Hàn Quốc để đặt tên cho con hoặc khi thay đổi tên, chữa đệm của mình (trong Dự thảo bộ luật hiện chỉ quy định tên và chữ đệm phải phù hợp với tập quán của người Việt Nam, như thế vẫn chưa rõ). Thêm nữa, trong Điều 32 của Dự thảo bộ luật quy định, khi người Việt Nam thay đổi giới tính, được quyền thay đổi cả họ và tên. Theo tôi, luật chỉ cần quy định cho thay đổi tên để phù hợp với giới tính nữ hoặc nam chứ họ không cần phải thay đổi họ.

 

Các quy định về việc xác định dân tộc trong Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi) cũng nên xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và ngăn chặn được tình trạng thay đổi dân tộc để trục lợi chứ chắc phải có ý thức phát huy, bảo vệ bản sắc, truyền thống của dân tộc ít người... Hiện, trong Điều 33 của Dự thảo bộ luật quy định, con có quyền theo dân tộc của cha hoặc mẹ là đúng nhưng cần quy định rõ khi theo dân tộc người nào thì phải mang họ của người đó. Vì trong thực tế có trường hợp mẹ là người dân tộc ít người nên thấy có lợi hơn thì cho con theo cùng dân tộc nhưng lại mang họ của cha (họ Nguyễn, họ Lê hoặc một số họ mà chỉ dân tộc Kinh mới có) và ngược lại. Riêng khoản 4, Điều 37 trong Dự thảo bộ luật quy định quyền được khám nghiệm tử thi là không phù hợp mà nên ghép vào Điều 39 về quyền được hiến mô, hiến xác cho liền mạch. Đối với quyền xác đính giới tính, Điều 40 của Dự thảo bộ luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là pháp luật không công nhận giới tính đối với người đã chuyển giới. Đây là phương án không phù hợp với thực tiễn vì đã có trường hợp người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện việc chuyển đổi giới tính rồi mới về nước xin đắng ký lại giới tính. Do vậy, nếu không cho đăng ký giới tích khi họ đã chuyển giới rồi thì không thể cấp giấy tờ tuỳ thân và sẽ gây ra sự lộn xộn trong xã hội. Theo tôi, nên chọn phương án 2 là cho phép đăng ký giới tính khi đã chuyển giới đối với những trường hợp đặc biệt và phù hợp với quy định của pháp luật để quản lý thì sẽ phù hợp với thực tế…