Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

16:42, 06/04/2015

Theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến nhân dân kết thúc vào ngày 05 tháng 4 năm 2015. Các cơ quan, tổ chức gửi Báo cáo kết quả lấy ý kiến về Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 4 năm 2015.

Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: Tính tới thời điểm đầu tháng 4, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trong đó, hình thức lấy ý kiến phổ biến là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm hoặc góp ý bằng văn bản. Các chủ thể được lấy ý kiến rất đa dạng từ các nhà quản lý đến các chuyên gia pháp lý, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, các chủ thể trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh đến trực tiếp người dân hoặc đại diện của người dân ở cơ sở. Hệ thống thông tin đại chúng cũng đã thực hiện rất tích cực trong việc lấy ý kiến nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, tạo sư quan tâm của các cơ quan chức năng và xã hội. Ngoài việc lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước, nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật còn có sự tham gia góp ý của các chuyên gia nước ngoài có nền pháp luật dân sự phát triển như Nhật, Đức và Pháp.

 

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham dự nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của Bộ, ngành, địa phương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Hiện tại các cơ quan, tổ chức, địa phương đang tích cực xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về Bộ Tư pháp. Một số Bộ, ngành, địa phương cũng đã kịp thời gửi kết quả đến Bộ Tư pháp, như: Ban kinh tế Trung ương, Bộ Giao thông – Vận tải… Bộ Tư pháp bên cạnh việc thay mặt Chính phủ tổ chức các hoạt động liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong Bộ, các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức các hình thức lấy ý kiến đa dạng, trong đó tập trung vào việc lấy kiến của các nhà nghiên cứu, giảng viên, thẩm phán, công chứng viên, luật sư, trọng tài, chuyên gia y tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội vào dự thảo Bộ luật. Song song việc chuẩn bị sẵn sàng tổng hợp kịp thời ý kiến nhân dân khi các Bộ, ngành, địa phương gửi về, đến thời điểm này, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động xây dựng các dự thảo Báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, dự thảo Báo tiếp thu, giải trình trên cơ sở kết quả lấy kiến nhân dân.

 

Tới thời điểm này, đã có hàng ngìn lượt góp ý của người dân, trong đó ngoài 10 vấn đề trọng tâm được Chính phủ xác định, cũng có rất nhiều ý kiến liên quan đến các quy định, chế định khác của dự thảo Bộ luật, đặc biệt về nội dung: cá nhân, pháp nhân, đại diện, thời hiệu, tài sản, quyền sở hữu, các vật quyền khác, lãi suất, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, các hợp đồng thông dụng, thừa kế, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài… Về cơ bản, các ý kiến góp ý rất có chất lượng, thể hiện sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trên cơ sở những ý kiến đã nhận được, bước đầu Bộ Tư pháp nhận thấy có rất nhiều điều luật cần chỉnh lý, cả về kỹ thuật và nội dung. Hiện tại, song song với việc tổng hợp các ý kiến góp ý, Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)./.