Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) vừa có văn bản chỉ đạo Chi cục các địa phương trong năm 2015 và những năm tiếp theo tập trung thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với ba nhóm mặt hàng trọng điểm gồm: nhóm thực phẩm, thực phẩm chức năng; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm và nhóm vật tư nông nghiệp.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường yêu cầu Chi cục quản lý thị trường các địa phương chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng bố trí nhân lực, điều kiện, trang thiết bị cần thiết tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, địa điểm tập kết – phát luồng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các đội Quản lý thị trường cũng cần huy động lực lượng chủ động bám sát các địa bàn, thu thập thông tin; thẩm tra xác minh và xử lý thông tin được báo chí, doanh nghiệp và người dân phản ánh để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra theo chuyên đề đối với các nhóm mặt hàng được xác định trọng điểm.
Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các Chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các thành phần kinh tế và người dân về tác hại của hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức ký cam kết tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn không tham không sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền lên án những hành vi vận chuyển tàng trữ lắp ráp, sang chiết, đóng gói, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhóm mặt hàng trọng điểm.
Ngoài ra, phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an và các cơ quan chức năng liên quan khác tại địa phương, đặc biệt tại các tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu, địa bàn nội địa nổi cộm để thu thập, chia sẻ thông tin và chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý ngăn chặn các hoạt động thẩm lậu, vận chuyển, tập kết, sản xuất, sang chiết, đóng gói, phát luồng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những vụ việc đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để truy tố trước pháp luật.
Theo Cục Quản lý thị trường, thời gian qua, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp (gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y), đặc biệt là hàng giả có nguồn gốc nước ngoài đang trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận và xã hội, tác độngt iêu cực đến đời sống người dâm, môi sinh – môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.