Vẫn nóng buôn lậu vùng biên Lạng Sơn

15:32, 20/04/2015

Tháng tư được xem là mùa cao điểm làm ăn của giới buôn lậu sau dịp Tết Nguyên đán. Có mặt tại vùng biên Lạng Sơn, chúng tôi nhận thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có vẻ không còn táo tợn như trước đây, nhưng đằng sau đó, là trăm phương nghìn kế, thủ đoạn ngày càng tinh vi của giới buôn lậu. Các lực lượng chức năng. Họ vẫn đang phải ngày đêm "căng mình" trong cuộc chiến đầy khốc liệt và dai dẳng này.  

Chưa hết phức tạp

 

Lạng Sơn từ trước đến nay luôn là "chảo lửa" của tình trạng buôn lậu vùng biên giới phía bắc. Mỗi ngày, có đến hàng nghìn lượt người vượt biên trái phép qua Trung Quốc để vận chuyển hàng lậu về Việt Nam bằng các loại đường mòn, lối tắt. Hiện nay, tâm điểm của nạn buôn lậu trên tuyến biên giới Lạng Sơn chủ yếu vẫn ở các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, với những địa danh "nổi tiếng" như Hang Dơi, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, đường mòn 386,... vì khu vực này có nhiều đường mòn, lối tắt, lại nằm ven quốc lộ 4A và sát ngay thị trấn Ðồng Ðăng. Ðối diện thị trấn Ðồng Ðăng phía bên kia là Lũng Nghịu, Bằng Tường (Trung Quốc), là "tổng kho" tập kết số lượng hàng hóa rất lớn. Từ đây, hàng lậu được cư dân biên giới, chủ yếu là người dân tộc thiểu số vận chuyển về Việt Nam.

 

Chỉ cần vượt qua khỏi đường biên chưa đầy 10 phút, hàng đã vào đến thị trấn Ðồng Ðăng, nên nơi đây thường được ví là cái "rốn" của hàng lậu. Ði dọc quốc lộ 1 từ TP Lạng Sơn lên vùng cửa khẩu biên giới, hay dọc quốc lộ 4A đoạn xuyên qua thị trấn Ðồng Ðăng, theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ, có hàng trăm xe máy cùng rất nhiều xe ô-tô bảy chỗ, loại xe "con cóc" chở cả nghìn bao tải hàng chạy như xé gió. Một cửu vạn đã giải nghệ tiết lộ, tại những đường mòn giáp biên giới, hễ không thấy bóng dáng lực lượng chống buôn lậu, giới cửu vạn lập tức ôm hàng ồ ạt vượt biên tại khu vực cánh gà cửa khẩu, lối mòn. Lúc này, hai bên đường và dưới chân núi, đã có đội ngũ xe ôm, ô-tô "con cóc" chờ sẵn, tiếp ứng kịp thời, chất hàng lên xe phóng thẳng về các kho tạm ở thị xã Ðồng Ðăng, Tân Thanh, làng xóm sát biên,... từ đó hàng được gom lại và chuyển về sâu trong nội địa để tiêu thụ.

 

Thiếu tá Lều Minh Tiến, Phó Ðồn trưởng Biên phòng Tân Thanh, cho biết, khu vực cửa khẩu Tân Thanh là một trong những địa bàn phức tạp, với hơn 13,4 km đường biên, có nhiều đường mòn, lối tắt rất thuận tiện cho việc qua lại biên giới giữa hai nước. Vì vậy, đồn đã tăng cường bổ sung quân số từ các đồn khác, đồng thời chỉ đạo lập hơn 30 lán trại, bố trí lực lượng chốt chặn 24/24 giờ, mỗi lán trại thường trực quân số từ ba đến 10 người tại các điểm nóng dọc biên giới do đồn quản lý để ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép và vận chuyển hàng lậu. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng hàng rào dây thép gai ở 57 điểm để bịt các lối vận chuyển hàng lậu. Vì vậy, thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh đã giảm đáng kể. Trung tá Vũ Huy Phước, Phó Ðồn trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, từ đầu năm đến nay, Ðồn Biên phòng Hữu Nghị đã chủ trì và phối hợp các lực lượng liên ngành Dốc Quýt, bắt gần 400 vụ vận chuyển hàng hóa lậu, chủ yếu là hàng gia dụng, pháo nổ, gia cầm, nội tạng động vật,... Hiện nay, để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng lậu qua đường cửa khẩu về Việt Nam. Vô hình trung, nhiều cư dân biên giới đã bị các chủ hàng lậu lợi dụng và biến thành "cửu vạn" tiếp tay cho việc mang hàng lậu một cách hợp pháp qua biên giới. Nguy hiểm hơn, các đối tượng vận chuyển hàng lậu ngày càng tỏ ra manh động, liều lĩnh hơn trước. Khi bị lực lượng biên phòng thu giữ, lập tức họ huy động đông người hò hét, lăng mạ, gây áp lực, thậm chí sử dụng vũ lực, lao vào giật lại hàng trên tay lực lượng biên phòng.

 

Cần sự phối hợp đồng bộ

 

Thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tập trung thực hiện các biện pháp xử lý quyết liệt, túc trực ở nhiều điểm nóng buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở vùng biên,... Tuy nhiên, nạn buôn lậu chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí có lúc diễn biến với quy mô và tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Có thể thấy, một yếu tố góp phần khiến tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trở nên rất khó kiểm soát chính là sự đa dạng, phức tạp của chủng loại hàng lậu. Tùy vào nhu cầu của thị trường trong từng thời kỳ, cũng như lợi nhuận thu được mà các đối tượng tập trung buôn lậu những mặt hàng khác nhau. Theo số liệu thống kê, trong số các mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc, có tới 60% là hàng trung gian (linh kiện, nguyên phụ liệu), 30% là hàng máy móc - thiết bị, 10% là hàng tiêu dùng. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là xe đạp điện, động cơ nổ, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, đồng hồ, vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất, các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như thực phẩm, thuốc lá, tạp hóa, vải, quần áo may sẵn,... Thời gian gần đây còn có sự góp mặt của các loại hàng cấm như vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm, công cụ và thuốc kích dục, hóa chất độc hại, gia cầm, thịt và nội tạng động vật,... Lý giải tình trạng này, Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, các loại hàng hóa được đối tượng nhập lậu rất đa dạng. Sau khi được chuyển vào nội địa, toàn bộ số hàng nêu trên sẽ được "hô biến" thành hàng hóa sản xuất trong nước bằng nhiều cách, giúp chủ đầu nậu và giới kinh doanh buôn bán thu lợi rất lớn. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở, quy định chưa chặt chẽ của pháp luật về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu để hợp thức hóa hàng nhập lậu. Trong khi đó, việc trao đổi thông tin về hoạt động vi phạm của doanh nghiệp, các chính sách, quy định liên quan còn hạn chế, có lúc chưa kịp thời, đầy đủ. Vì vậy, để công tác chống buôn lậu có hiệu quả hơn, cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định để "vá lỗ hổng" của pháp luật, đồng thời cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng từ biên giới đến nội địa. Theo Phó Tổng Cục trưởng Hải quan, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) Nguyễn Văn Cẩn, thời gian tới, theo hướng dẫn của Liên bộ Tài chính - Công thương - Công an, hàng hóa từ biên giới về nội địa không có hóa đơn được coi như hàng lậu thay vì chờ xác minh như hiện hành. Cùng với cơ chế hải quan một cửa, các thông tin về tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ cho các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát hàng hóa đi vào nội địa.

 

Một nguyên nhân, khiến tình trạng buôn lậu ở Lạng Sơn vẫn phức tạp là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong trao đổi thông tin về đối tượng, mặt hàng, giá cả,... chưa tốt. Ðể khắc phục điểm yếu này, cần tiếp tục quán triệt nội dung nâng cao nhận thức trong chỉ đạo, xác định nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài. Ðồng thời, kiên trì thực hiện đồng bộ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ khu vực biên giới cửa khẩu, trên biển và trong nội địa, tập trung trọng tâm đấu tranh với buôn lậu có tổ chức, đường dây, ổ nhóm. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là bộ phận dân cư ở khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Cùng với đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trong nước, bảo đảm giá thành hợp lý, đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường và dần đẩy lùi hàng nhập lậu.