Bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự

14:46, 28/05/2015

Quy định “Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức” tại Điều 145 - dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tạo ra cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự, khắc phục được hạn chế về nội dung trên của Bộ luật Dân sự 2005.

Đồng thời đảm bảo sự phù hợp với mục đích của quy định về điều kiện hình thức của giao dịch này. Nội dung Điều 134, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức” như sau: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

 

So với Bộ luật Dân sự năm 1995, nội dung nói trên trong Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định ngắn gọn hơn, lược bỏ bớt quy định “Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại” (vì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu đã được thể hiện trong Điều 137 của Bộ luật Dân sự hiện hành) mà vẫn đầy đủ nội dung. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số cán bộ ngành tòa án, chúng tôi được biết, thực tiễn xét xử giải quyết các yêu cầu về giao dịch dân sự vô hiệu thì trường hợp vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức giao dịch chiếm tỷ lệ cao, gây bức xúc cho nhân dân. Đây là một điểm bất cập cần phải được sửa đổi. 

 

Lý do là, việc quy định Tòa án ấn định một thời gian nhất định để các bên chủ thể tham gia giao dịch thực hiện đúng quy định về hình thức của giao dịch thực chất không có ý nghĩa, do hai bên phát sinh tranh chấp, không thể dung hòa về quyền lợi, nghĩa vụ nên mới đưa ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Vì đã có mâu thuẫn về quyền lợi nên việc Tòa án ấn định thời hạn để hai bên cùng nhau thực hiện việc công chứng, chứng thực giao dịch theo đúng quy định là không khả thi, kết quả vẫn là “tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”.

 

Thứ hai, đã có nhiều trường hợp một trong các bên tham gia giao dịch tận dụng “kẽ hở” quy định tại Điều 134 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để trục lợi, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của phía đối tác. Ví dụ như bên bán/chuyển nhượng tài sản lợi dụng để vi phạm nghĩa vụ, từ chối bán tài sản (khi tài sản tăng giá) hoặc bên mua/nhận chuyển nhượng từ chối mua tài sản (khi giá trị tài sản bị giảm sút). Như vậy, vô hình pháp luật không đảm bảo được tính công bằng khi bảo vệ cho bên vi phạm nghĩa vụ, thiếu trung thực trong giao dịch dân sự.

 

Hơn nữa, do hiểu biết của người dân về pháp luật nên không tuân thủ quy định về hình thức giao dịch dân sự. Trong  khi thực hiện quy định này đòi hỏi những điều kiện, giấy tờ phức tạp (Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, giấy tờ nhân thân, chứng minh quan hệ….) mà một số trường hợp chủ sở hữu hợp pháp không đáp ứng được nên không công chứng, chứng thực được. Còn nhiều trường hợp người có tài sản hoặc được công nhận quyền sở hữu hợp pháp chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhưng do nhu cầu, điều kiện bắt buộc phải thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản nên mặc dù biết nhưng họ không thể tuân thủ quy định về hình thức. Vì vậy, quy định cứng nhắc về hình thức của giao dịch dân sự như hiện nay sẽ làm “cản trở” việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu tài sản theo Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.

 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch này, tại điều 145, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định về “Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức” đã có đổi mới. Cụ thể, tên điều luật đã được thay đổi từ “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức” thành “Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức”, thể hiện phạm vi quy định có tính bao quát hơn. Tại điểm a, khoản 1 đã bổ sung thêm trường hợp giao dịch dân sự không đúng hình thức theo luật định nhưng giao dịch đó không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và các chủ thể đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc thì không bị vô hiệu. Điều này hợp lý và linh động, đảm bảo công bằng hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Bởi vì, trong giao dịch dân sự, quan trọng nhất là thể hiện ý chí của các bên. Quy định về hình thức của giao dịch dân sự (bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc làm chứng) xuất phát từ yêu cầu quản lý Nhà nước hoặc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba. Nếu giao dịch đã thực hiện xong và không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tạo điều kiện để các bên hoàn thành các thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu (sang tên). Như vậy, việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (do vi phạm quy định về hình thức) là không cần thiết.

 

Quy định mới này góp phần ổn định quan hệ dân sự (đối với trường hợp đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc theo thỏa thuận), tránh trường hợp một bên chủ thể lợi dụng để vi phạm cam kết, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bên kia. Đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho bên thứ ba (giao dịch dân sự không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác). Ngoài ra, quy định mới này cũng sẽ khắc phục được hậu quả hợp đồng vô hiệu do không thực hiện hoặc không thực hiện được quy định về hình thức giao dịch dân sự; do hạn chế về nhận thức pháp luật của người dân và sự phức tạp theo quy định hiện hành về thủ tục thực hiện hình thức giao dịch dân sự (công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo..).

 

Việc bổ sung quy định tại khoản 2: “Các khiếm khuyết thuộc về kỹ thuật văn bản không bị coi là vi phạm quy định về hình thức” trong Điều 145 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng thể hiện sự chặt chẽ, hoàn thiện hơn quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.