Hiệu quả từ những phiên tòa rút kinh nghiệm

16:41, 06/05/2015

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm công tác tố tụng cũng như chất lượng xét xử các loại án, từ năm 2015, Tòa án nhân dân (TAND) Đồng Hỷ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (VKSDN) huyện đã xây dựng và thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Những phiên tòa nay đã cho thấy tính thiết thực và hiệu quả ban đầu.

Theo đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn dẫn đến chết người đã được TAND và VKSDN huyện Đồng Hỷ chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Dự phiên tòa, ngoài sự điều hành của hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện các bên có liên quan còn có các thẩm phán, kiểm sát viên và thành viên trong đoàn Hội thẩm nhân dân (HTND) huyện dự khán, theo dõi.

 

Theo ông Bùi Đức Thuận, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ, vụ án được lựa chọn để tổ chức rút kinh nghiệm là bởi phiên tòa có nhiều thành phần tham gia, nội dung vụ án có một số điểm cần phải làm rõ thêm tại Tòa để xác định hành vi chủ quan (bị cáo có bỏ trốn hay không?) và dự kiến sẽ có tình huống phát sinh tại tòa, yêu cầu hội đồng xét xử phải giải quyết.

 

Phiên tòa diễn ra trong không khí nghiêm túc, đúng quy định, quy trình xét xử. Phần thẩm vấn và tranh tụng diễn ra khá sôi nổi, hội đồng xét xử đã làm rõ các lỗi chủ quan, khách quan của bị cáo. Quan điểm truy tố của VKS được giữ nguyên.

 

Sau phiên tòa, buổi họp rút kinh nghiệm gồm lãnh đạo TAND huyện, VKSND huyện cùng các thẩm phán, kiểm sát viên, Đoàn HTND và HĐXX đã diễn ra. Rất nhiều ý kiến đã được thẳng thắn đưa ra cả về ưu điểm lẫn hạn chế. Chẳng hạn như: HĐXX đã thực hiện các thủ tục tố tụng đảm bảo theo đúng theo quy định, chủ tọa điều hành phiên tòa tốt, tư thế, tác phong của các HTND nghiêm túc, có nhiều câu hỏi trọng tâm góp phần làm rõ thêm các tình tiết trong vụ án. HĐXX chủ động điều hành phiên tòa và xử lý tình huống khá tốt, nhất là khi có tình huống phát sinh. Tuy nhiên, còn một số hạn chế là thành viên HĐXX đặt câu hỏi còn dài, gây khó hiểu cho người tham gia tố tụng; chủ tọa phiên tòa công bố bút lục chưa trọng tâm; công bố kết thúc mỗi phần tố tụng chưa thật rõ ràng…

 

Trao đổi với chúng tôi về cách làm mới này, ông Bùi Đức Thuận, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ nói: Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý HTND theo quy chế; nâng cao năng lực xét xử cho đội ngũ thẩm phán và HTND đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống (phát sinh tại tòa). Tình huống phát sinh thường đa dạng, phức tạp thậm chí ngoài dự tính của HĐXX. Nếu chủ tọa, HTND gặp phải tình huống mà lúng túng, xử lý không đạt sẽ khiến các đương sự và người dự phiên tòa mất lòng tin. Khi lựa chọn vụ án đưa ra xét xử và rút kinh nghiệm sẽ khắc phục được những hạn chế đó. Đặc biệt, những phiên tòa này sẽ giúp nâng cao vai trò, vị trí của HTND trong quá trình xét xử.

 

Còn ông Nguyễn Thế Chung, Viện trưởng VKS nhân dân huyện Đồng Hỷ cho biết: Qua những phiên tòa rút kinh nghiệm như vậy, các cơ quan tố tụng phát hiện được nhiều vấn đề còn hạn chế (từ khâu nghiên cứu hồ sơ đến quá trình xét xử) từ đó cùng nhau họp bàn, đút rút được cách khắc phục, xử lý. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm không phải nhằm mục đích thống nhất đường lối xét xử mà quan trọng là đảm bảo tính nghiệm minh của pháp luật. Mỗi phiên tòa như vậy là thực tế sinh động và là bài học cho đội ngũ làm công tác tố tụng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chí công vô tư, từ đó nâng cao chất lượng xét xử.

 

Đặc biệt, những phiên tòa như vậy rất có ý nghĩa với các HTND. Chị Bùi Thanh Tâm, Trưởng đoàn HTND huyện Đồng Hỷ cho rằng: Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là rất thiết thực và bổ ích đối với HTND. Nó giúp cho chúng tôi củng cố thêm kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kỹ năng đặt câu hỏi và thẩm vấn cho những phiên tòa sau (tránh đặt những câu hỏi dài, không rõ ràng hoặc lặp với nội dung HĐXX đã hỏi). Để làm tốt điều đó, trước khi tham gia xét xử, HTND phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm bắt đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ đồng thời chuẩn bị chu đáo các nội dung tham gia xét hỏi, dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa để tránh bị lúng túng, bị động, cùng HĐXX giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng, nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai cho người vô tội.

 

Được biết, theo kế hoạch, mỗi quý, TAND và VKSND huyện Đồng Hỷ sẽ lựa chọn 1 vụ án và tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm. Tuy cách làm này mới được áp dụng nhưng bước đầu nó đã tạo được những hiệu ứng, tác động tích cực đến đội ngũ làm công tác tố tụng của huyện. Bởi sau mỗi phiên tòa như vậy, những hạn chế, yếu kém trong công tác xét xử sẽ được chỉ ra và từng bước khắc phục. Từ đây, mỗi thành viên trong HDXX sẽ càng ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình giải quyết vụ án, chất lượng chất lượng xét xử chắc chắn sẽ được nâng lên theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.