Rừng phòng hộ Núi Cốc bị tàn phá

09:20, 23/05/2015

Rừng phòng hộ Núi Cốc nằm trên địa bàn 6 xã (Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (Đại Từ), Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và Phúc Tân (Phổ Yên) có diện tích xấp xỉ 3.500 ha.

Đến thời điểm này nhiều lô rừng phòng hộ hồ Núi Cốc đã bị lâm tặc chặt phá. Trong chuyến khảo sát rừng phòng hộ Núi Cốc mới đây, chúng tôi nhận thấy nhiều đảo ở khu vực Hang Cà đã bị lâm tặc khai thác gần như cạn kiệt, có đảo trơ những gốc cây to, lá khô còn chưa rụng khỏi cành. Rừng keo 4-5 tuổi ở nhiều đảo chỉ còn những cây thân bằng cổ tay.

 

Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, ngày 26-2, Tổ công tác tuần tra rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (RPHBVMT) Hồ Núi Cốc đã tiến hành tuần tra trên hồ và phát hiện có nhiều lô rừng bị chặt phá. Nhiều thuyền của người dân từ phía xã Vạn Thọ di chuyển đến các lô rừng thuộc địa phận xã Phúc Tân để chặt keo. Các đối tượng khai thác, vận chuyển ngày càng dùng các phương thức tinh vi hơn. Chúng sử dụng cưa cò, rìu, dao khai thác vào ban đêm nên gây khó khăn cho lực lượng tuần tra. Để vận chuyển gỗ, các đối tượng khai thác gỗ trái phép thường kẹp lâm sản ở 2 bên mạn thuyền bằng dây. Khi thấy lực lượng tuần tra, các đối tượng phi tang bằng cách tháo hoặc chặt đứt dây cho lâm sản chìm xuống lòng hồ. Vì thế, việc khai thác lẫn vận chuyển đã được các đối tượng tính toán kỹ để dễ bề qua mắt các lực lượng chức năng.

 

Theo nhận định của Ban quản lý RPHBVMT Hồ Núi Cốc, một bộ phận người dân của xã Vạn Thọ không có công ăn việc làm, cuộc sống chủ yếu dựa vào khai thác tôm cá nên đã khai thác lâm sản trái phép. Các đối tượng đã dùng thuyền di chuyển đến các đảo, các vùng rừng giáp ranh để chặt keo. Rừng bị chặt phá chủ yếu là keo non (4-5 tuổi) có đường kính dưới 6cm. thêm vào đó, các cơ sở chế biến gỗ bóc, gỗ băm trên địa bàn thu mua nguyên liệu với giá cao nên các đối tượng càng nảy sinh lòng tham. Tính ra mỗi thuyền khai thác trót lọt, lâm tặc có 200.000 đồng. Mặc dù đã có những biện pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng song đến nay, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc nhất là khu vực Hang Cà, địa phận xã Phúc Tân, những cây keo to đã bị chặt hết. Các đối tượng khai thác giờ lại chuyển sang chặt cây non. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ (Đại Từ) cũng thừa nhận việc có tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn, nhưng chính quyền xã chỉ nắm được việc người dân địa phương tận thu củi, cành ngọn từ phía xã Phúc Tân chuyển qua.

 

Trước tình hình đó, Ban quản lý RPHBVMT Hồ Núi Cốc đã có văn bản báo cáo với Chi cục Kiểm lâm và Chi cục đã triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực RPHBVMT Hồ Núi Cốc. Kế hoạch trên được thực hiện trong 10 ngày từ 15 đến 25-4-2015. Ngoài lực lượng kiểm lâm của Ban quản lý rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc còn có thêm cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ và Đội kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng của tỉnh. Việc kiểm tra thực hiện ở tất cả các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn và các chủ rừng; đồng thời các tổ, chốt tuần tra, kiểm soát lâm sản tiến hành kiểm tra các tụ điểm khai thác ở khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên vùng hồ... Trong 10 ngày tuần tra truy quét, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ tại địa phận xóm Gốc Mít (xã Tân Thái) 633 khúc gỗ keo, tương đương với 6,7m3 gỗ...

 

Điều đáng nói là rừng phòng hộ hiện đã bị lâm tặc tàn phá nặng nề. Việc tuần tra canh gác trên diện tích hồ 25km2, địa hình phức tạp với 89 hòn đảo là điều khó khăn bởi lực lượng mỏng. Làm thế nào để giữ được rừng sau 10 ngày triển khai truy quét. Vấn đề đặt ra cho ngành chức năng là làm thế nào để sớm triển khai phương án trồng thay thế cây keo bằng cây bản địa và thực hiện việc QLBV rừng phòng hộ có sự tham gia của người dân.