Đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao

07:23, 08/06/2015

Liên tục phanh phui những vụ xâm phạm hệ thống mạng, trộm cắp cước viễn thông, mua bán thiết bị nghe lén, lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng… là thành tích đáng tự hào của cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an. Những thành tích đó đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một loại hình tội phạm mới, với thủ đoạn hết sức tinh vi, quy mô và mức độ thiệt hại khôn lường, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc niềm tin yêu của quần chúng nhân dân.  

* Điều tra, làm rõ hàng nghìn vụ việc

 

Theo thống kê, 5 năm qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, xác minh, điều tra và chỉ đạo lực lượng tại địa phương làm rõ gần 1.400 đầu mối vụ việc liên quan đến công nghệ cao. Riêng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trực tiếp xác minh, điều tra gần 1.000 vụ việc; chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 266 chuyên án, vụ việc, với 978 bị can; thu hồi tiền và hàng ngàn máy tính xách tay, điện thoại di động, linh kiện điện tử… trị giá hàng trăm tỷ đồng. Điển hình, ngày 23/1/2015, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã đồng loạt ra quân khám xét 12 địa điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, của một đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng, bắt giữ 7 đối tượng. Đây là đường dây tổ chức đánh bạc có quy mô lớn với số tiền giao dịch tại thời điểm bị bắt lên đến 1.000 tỷ đồng.

 

Trước đó, ngày 18/10/2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của 7 đối tượng trong đường dây đánh bạc qua mạng Internet, thông qua trang web www.188bet.com. Đây là một hình thức đánh bạc và máy chủ được đặt tại nước ngoài. Trang web này tổ chức các hình thức đánh bạc như: Thể thao, casino trực tuyến, cược tài chính... Muốn tham gia đánh bạc, người chơi phải tạo tài khoản trên website và nộp tiền vào. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ lượng lớn tài liệu, sổ sách ghi lại số tiền ăn thua, những lần nhận tiền và chuyển tiền của các con bạc; cùng nhiều thiết bị công nghệ phục vụ việc đánh bạc qua mạng Internet.

 

* Không để lọt lưới những tội phạm tinh vi

 

Trong bối cảnh tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp với quy mô, tính chất, mức độ thiệt hại đều gia tăng qua từng năm. Phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và luôn thay đổi nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Nhưng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, những năm qua, hệ thống mạng tại nước ta luôn đặt trong tình trạng báo động với nhiều vụ tấn công, cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, Internet; phát tán virus, phần mềm gián điệp, mã độc hại với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, năm 2014, hàng ngàn Website của Việt Nam đã bị các hacker tấn công trong thời gian dài. Bên cạnh đó, hành vi tống tiền qua Internet, mạng viễn thông bằng việc sử dụng các loại virut mã hóa dữ liệu thiết bị của người dùng cho đến khi người dùng trả phí theo đề nghị, mới được giải mã cũng ngày càng xuất hiện phổ biến. Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động phối hợp với các đơn vị hữu quan tiến hành xác minh hàng nghìn cuộc tấn công mạng, qua đó điều tra, khám phá nhiều vụ án liên quan đến hành vi xâm nhập trái phép, trộm cắp cơ sở dữ liệu hoặc đe dọa tống tiền các doanh nghiệp. Điển hình là vụ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk bị các đối tượng ở Thanh Hóa dọa tiêm thuốc trừ sâu vào sản phẩm sữa và tống tiền 300 triệu đồng.

 

Bằng việc bám sát tình hình, các chiến sỹ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, huy động vốn trái phép của hàng loạt doanh nghiệp. Điển hình như các vụ sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đào tạo trực tuyến (Công ty MB24), Công ty cộng đồng Việt, Công ty Tâm Mặt Trời, Công ty TNHH Khải Thái, với số tiền ước tính lần lượt là 700 tỷ đồng, 400 tỷ đồng, 120 tỷ đồng và 500 tỷ đồng…

 

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã phanh phui nhiều vụ liên quan để trộm cắp, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng để đặt vé máy bay, mua bán các loại hàng hóa có giá trị cao hoặc thanh toán khống. Đáng chú ý là vụ nhóm đối tượng do Dương Văn Bách cầm đầu, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài đặt mua gần 500 vé máy bay các loại, chiếm đoạt hàng tỷ đồng; vụ các đối tượng trong diễn đàn hkvfamily.info mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài mua hàng hóa chuyển về Việt Nam tiêu thụ, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…

 

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc trong các lĩnh vực: Thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, viễn thông. Điển hình là vụ án Đinh Văn Long cùng đồng bọn làm thẻ tín dụng giả mua các loại hàng hóa có giá trị cao tại Hà Nội với số tiền ước tính hàng tỷ đồng; vụ 4 đối tượng người Trung Quốc móc nối với 3 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ ở Hải Phòng thanh toán khống và chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng; vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng kinh doanh trái phép phần mềm nghe lén điện thoại với số điện thoại bị trộm cắp dữ liệu cá nhân lên đến hơn 14.000 chiếc, thu lời bất chính hàng tỷ đồng… Ngoài ra, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khám phá, làm rõ nhiều doanh nghiệp thông qua tin nhắn rác đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân qua hệ thống hàng chục nghìn đầu số khác nhau, như vụ các công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương, Thiên Ngân phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm hưởng trái phép ước tính hơn 35 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nghiên cứu, phát triển, đưa vào sử dụng nhiều loại thiết bị, công cụ chuyên dụng và kỹ thuật mới phục vụ công tác phân tích, phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử. Chỉ 5 năm qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phân tích, phục hồi dữ liệu điện tử đối với hơn 2.500 thiết bị các loại như: Máy tính, điện thoại di động, sim điện thoại, camera và các loại thiết bị điện tử khác trong hàng trăm vụ án, vụ việc... góp phần đấu tranh hiệu quả phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao./.