Thảm sát Bình Phước: Nguyễn Hải Dương có thể nhận hình phạt cao nhất

07:46, 15/07/2015

Vụ thảm sát ở Bình Phước đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì mức độ nghiêm trọng của nó. Hai nghi can đã sát hại 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, huyện Chơn Thành).

Chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục thanh niên

 

Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật-Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là vụ án giết người rùng rợn chỉ vì một lý do rất đơn giản theo bị can ngụy biện là hận tình. Đây không phải là vụ án đầu tiên kẻ thủ ác ra tay tàn độc như vậy, mà trong thời gian qua có rất nhiều vụ án hung thủ đang ở lứa tuổi thanh niên, nhưng phạm tội nghiêm trọng khiến nhiều người phải rùng mình. Điển hình là vụ Nguyễn Đức Nghĩa cắt cổ người yêu, vụ Lê Văn Luyện sát hại 3 người ở Bắc Giang…

 

 “Qua đây cũng phải báo động về tình trạng suy thoái đạo đức trầm trọng trong lứa tuổi thanh niên. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, có ảnh hưởng của những phim ảnh bạo lực, mạng internet, cách giáo dục trong gia đình và nhà trường… nhưng có một vấn đề cần suy nghĩ là công tác giáo dục tư tưởng, vận động trong thanh niên chưa được quan tâm đúng mức”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.

 

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, các thành viên của Mặt trận trong thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, đã cùng với TW MTTQ Việt Nam tổ chức hiệu quả nhiều cuộc vận động, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong hoạt động của mình, các thành viên Mặt trận vẫn còn để một “khoảng trống” lớn, đó là việc chưa quan tâm đến đối tượng thanh niên. Nạn bạo lực học đường gia tăng, đạo đức một bộ phận giáo viên xuống cấp rồi việc xảy ra nhiều vụ án rúng động trong thời gian gần đây… có trách nhiệm của các tổ chức thành viên Mặt trận.

 

 “Các thành viên của Mặt trận cần quan tâm nhiều đến vấn đề đời sống xã hội, đặc biệt là quan tâm đúng mức đến thanh niên. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không thể làm thay việc các thành viên Mặt trận được”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.

 

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, hiện nay nhiều nơi, nhiều tổ chức vận động xây dựng đời sống văn hóa, nhưng chưa thực sự chú trọng đến việc giáo dục nhân cách con người. “Văn hóa là một khái niệm rất rộng. Bây giờ người ta quan tâm đến xây dựng văn hóa nhưng chủ yếu là văn hóa ứng xử. Nói nôm na là quan tâm đến sự lễ phép, lịch sự, những cái ở bên ngoài. Còn thời trước, nói đến văn hóa, đầu tiên phải là giáo dục cách làm người. Đó mới là cội rễ của mọi vấn đề”.

 

2 bị can có thể phải chịu mức án cao nhất

 

Ngày 13/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Hải Dương (sinh năm 1991 ngụ tại ấp Long Hạ, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang) và Vũ Văn Tiến (sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú tại Phú Nguyên, Phú Riềng, Bình Phước), cả hai đều ở tại xã Nhị Bình, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, để điều tra hành vi “Giết người” và “Cướp tài sản”.

 

Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, cơ quan công an đã khởi tố 2 bị can tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, khung hình phạt dành cho các bị can sẽ áp dụng theo Điều 93, Bộ Luật Hình sự quy định về Tội giết người, trong đó nêu rõ: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;  Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn…

 

“Khung hình phạt sẽ do cơ quan pháp luật phán xét. Trong vụ án này, các bị can đã giết dã man một lúc 6 người, giết trẻ em và hành vi có tính chất côn đồ. Mặt khác, vụ án không có tình tiết giảm nhẹ thì rất có thể hai bị can sẽ phải đối mặt với mức án tối đa”- Luật sư Tiết nói.

 

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, Khoản 4, Điều 133, Bộ Luật Hình sự về Tội cướp tài sản quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

“Trong vụ án này, 2 bị can có động cơ cướp tài sản, khi thực hiện động cơ của mình, đối tượng đã có các hành động dã man và kết quả cuối cùng là chúng đã sát hại rất nhiều người. Nếu chiểu theo quy định của luật pháp, thì 2 bị can này cũng rất có thể phải chịu hình phạt cao nhất theo khoản 4 Điều 133, Bộ Luật Hình sự mà không có tình tiết giảm nhẹ”- Luật sư Lê Đức Tiết nói./.