Tại sao trấn áp mạnh mẽ nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn gia tăng?

08:13, 10/09/2015

Tại sao việc phát hiện, xử lý tội phạm về chức vụ, tham nhũng lại giảm sâu, mặc dù đã tăng cường các giải pháp về thể chế, con người? Tại sao đã thực hiện các biện pháp trấn áp mạnh mẽ nhưng tình tội phạm ma túy vẫn gia tăng?...

Đây là những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp diễn ra chiều ngày 9/9 tại Hà Nội.

 

Về cơ bản, đa số các ý kiến tán thành với báo cáo đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật với hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật đã được kéo giảm đáng kể, trong đó có nhiều tội phạm nghiêm trọng giảm.

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắc Lắk, báo cáo vẫn chưa làm rõ đây là bức tranh tổng thể về vi phạm pháp luật trong cả nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó, công tác phòng ngừa tội phạm còn yếu, cần đánh giá rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức trong công tác phòng ngừa tội phạm.

 

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, báo cáo Chính phủ vẫn còn thiếu đánh giá thực tế về tình hình vi phạm pháp luật trong năm 2015. Bên cạnh đó, mặc dù đã có cơ quan chuyên trách làm công tác thống kê về vi phạm hành chính nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu tổng thể về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, ngành, địa phương để có thể đánh giá chính xác về tình hình xử lý vi phạm hành chính hằng năm trên địa bàn cả nước.

 

Chỉ ra điểm nổi bật của báo cáo Chính phủ năm nay phát hiện nhiều vụ án ma túy lớn, tội phạm giết người gia tăng, tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hồng tỏ ra băn khoăn việc phát hiện, xử lý tội phạm về chức vụ, tham nhũng lại giảm sâu, mặc dù đã tăng cường về thể chế, con người, …”Cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân, để tìm ra giải pháp trong năm 2016”, ông Hồng đề nghị.

 

Ghi nhận sự cương quyết đấu tranh của các lực lượng chức năng đối với các tội phạm trên các lĩnh vực trong năm qua, đặc biệt là tội phạm ma túy, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng đặt vấn đề tại sao việc phát hiện, xử lý đối với tội phạm về kinh tế, tham nhũng còn hạn chế?. Dẫn chứng các vụ “vỡ hụi” với số tiền lớn và đường dây lớn nhiều năm không phát hiện ra; việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng trong năm 2015 giảm sâu (gần 30% về số vụ) trong khi đó theo đánh giá của Chính phủ tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền cho rằng cần “mổ xẻ” nguyên nhân.

 

Ở một khía cạnh khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cũng nêu quan điểm: Báo cáo cần làm rõ tại sao trấn áp mạnh mẽ án ma túy nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, số lượng lớn, điều này có liên quan đến tình hình người nghiện ma túy gia tăng trong xã hội ta hiện nay như thế nào?.

 

Đồng thời, đề nghị đánh giá khó khăn trong công tác đưa người đi cai nghiện hiện nay, để có giải pháp khắc phục, đặc biệt đánh giá sâu thêm tình hình gia tăng người nghiện với tình hình tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp…

 

“Báo cáo cũng chưa đề cập đến tiến độ điều tra các vụ án mà cử tri quan tâm có đơn kêu oan sai kéo dài như: Hàn Đức Long, Hùynh Văn Nén đến đâu, gặp khó khăn vướng mắc gì?”, ông Đương đặt câu hỏi.

 

Ông Hồ Văn Năm, Uỷ viên Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân  tỉnh Đồng Nai phản ánh: Báo cáo chưa làm rõ được vấn đề người dân quan tâm, bức xúc bởi gắn liền với đời sống nhân dân thời gian qua là vi phạm pháp luật về môi trường, về an toàn, vệ sinh thực phẩm diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, nhưng còn thiếu các chế tài và biện pháp xử lý quyết liệt…/.