Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội

16:03, 11/09/2015

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 21, sáng 11/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Năm 2015, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ngành, các cấp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng...

 

Theo Báo cáo, kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 6.515 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 417.026 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 52.253 tỷ đồng và 1.788 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 391.821 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đã giải quyết 35.555 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ khoảng 90%. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được nâng cao, đặc biệt là trong giải quyết từng vụ án, vụ việc tham nhũng.

 

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại khoảng trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất; đã thu hồi cho nhà nước trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%).

 

Báo cáo của Chính phủ đánh giá: tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay; vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Dự báo trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng; tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, là một trong những vấn đề dư luận quan tâm…

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng còn có hạn chế. Một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng chậm được ban hành; việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương chưa chuyển biến mạnh; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp…

 

Qua thảo luận, Ủy ban Tư pháp đánh giá báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 cơ bản đã phản ánh được các mặt hoạt động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; phân tích được một số tồn tại, hạn chế và nguyên và cũng như đưa ra các giải pháp. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nội dung Báo cáo còn chung chung, chưa đánh giá kết quả, tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm…

 

Đối với công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra án tham nhũng giảm, ít phát hiện các vụ án tham nhũng nghiêm trọng như những năm gần đây. Tuy nhiên, trong Báo cáo chưa có đánh giá rõ về thực trạng này, trong khi đó, theo Báo cáo thì tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. Đây là vấn đề cần đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng. Dư luận hiện đang bức xúc với tình trạng cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhất là cán bộ, công chức trong cơ quan chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đề cập trong Báo cáo. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có cải thiện so hơn so với năm 2014 nhưng tỷ lệ vẫn thấp.

 

Tán thành với nhiều nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ về kết quả cũng như những hạn chế, yếu kém, một số ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ… Những nguyên nhân này cần được đánh giá làm rõ, đặc biệt là về mặt chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới./.