Năm 2015, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) triển khai thí điểm Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực may mặc.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 152 doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian 4 tháng, từ tháng 5-9/2015. Qua lần đầu tiên thực hiện, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 vi phạm (trung bình 12 vi phạm/doanh nghiệp).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý, ngành may mặc được chọn để thực hiện thí điểm bởi may mặc là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua, chiếm 13,6% doanh thu xuất khẩu và 10,5% tổng GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng dệt may trong giai đoạn 2008-2013 đạt 14,5%/năm. Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may,thu hút lực lượng lao động rất lớn với trên 2,5 triệu lao động; chiếm khoảng 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp. Trong khi đó, lao động của ngành dệt may hầu hết là lao động phổ thông, có trình độ không cao, tinh thần, ý thức chấp hành kỷ luật lao động nhiều nơi chưa tốt.
Phân tích các vi phạm trong ngành may mặc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Nội dung vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định. Theo thống kê, cả 12 tỉnh, thành phố thực hiện chiến dịch đều có doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá số giờ theo quy định với 60 doanh nghiệp mắc vi phạm này. Về tiền lương, tiền công, vi phạm của các doanh nghiệp là không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đầy đủ cho người lao động (17 doanh nghiệp/5 tỉnh, thành phố); trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định (11 doanh nghiệp/ 3 tỉnh, thành phố)…
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp không có biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; không phổ biến cho người lao động các quy định về thoát hiểm và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành; không có sơ đồ chỉ dẫn lối thoát hiểm. Các doanh nghiệp cũng chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho tất cả người lao động; người lao động không sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân đúng mục đích công việc… Đáng chú ý, có tới 90 doanh nghiệp không tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ. Thậm chí, 60 doanh nghiệp có cán bộ làm công tác an toàn ở các doanh nghiệp chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ số người theo quy định…
Ông Nguyễn Tiến Tùng thông tin: Chiến dịch thanh tra đã có tác động rất lớn tới doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật lao động và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong ngành may mặc. Để đánh giá tác động của chiến dịch, Thanh tra Bộ đã kiểm tra việc thực hiện kiến nghị thanh tra tại 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các đoàn thành tra đã kiến nghị 79 nội dung đối với 7 doanh nghiệp; trong đó, có 15 kiến nghị các doanh nghiệp chưa phải thực hiện ngay (kiến nghị thực hiện theo định kỳ, tại thời điểm kiểm tra các doanh nghiệp chưa phải thực hiện), 35 kiến nghị đã được các doanh nghiệp thực hiện và 29 kiến nghị chưa được các doanh nghiệp thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Trong vòng 30 ngày, các doanh nghiệp đã hoàn thành 55% kiến nghị để khắc phục các vi phạm.
Do đây là lần đầu tiên Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác thí điểm tổ chức thanh tra nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Một trong những vấn đề nổi lên là người sử dụng lao động còn né tránh việc tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra, chỉ ủy quyền cho các Phó Giám đốc hoặc Trưởng phòng nhân sự làm việc. Do vậy, Đoàn không thể nắm hết được tình hình khó khăn của doanh nghiệp để có biện pháp hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Có một số đại diện doanh nghiệp tỏ thái độ không chấp hành quyết định thanh tra hoặc không hợp tác với Đoàn thanh tra, gây khó khăn trong quá trình thực hiện thanh tra – ông Nguyễn Tiến Tùng thông tin.
Năm 2016, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sẽ thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc, đây là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong năm 2015. Để nâng cao hiệu quả của chiến dịch trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên tham gia; lập kế hoạch thực hiện chiến dịch sớm; khoanh vùng các nguy cơ, yếu tố rủi ro, các doanh nghiệp thường vi phạm trong lĩnh vực dự kiến thanh tra./ .