Ngày 29/10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý III và nhiệm vụ quý IV năm 2015.
Trong quý III, toàn ngành đã triển khai 2.347 cuộc thanh tra hành chính và 51.378 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 5.437 tỷ đồng, 4.363 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 4.741 tỷ đồng và 515 ha đất (đã thu hồi 2.780 tỷ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 696 tỷ đồng, 3.848 ha đất ; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 474 tập thể; ban hành 43.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 1.247 tỷ đồng ; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 16 vụ, 10 đối tượng . Toàn ngành đôn đốc 606 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 1.056/1.663 tỷ đồng (đạt 63,5%); xử lý 161 tập thể, 280 cá nhân có vi phạm.
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 106.299 lượt công dân với 45.841 vụ việc; có 1.183 đoàn đông người. C ơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã xử lý 60.885 đơn thư các loại; có 17.447 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 8.873 đơn khiếu nại, 2.022 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính với 9.601 vụ việc; đã giải quyết 6.308 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 66%.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, cơ quan Thanh tra đã phát hiện 4 vụ, 4 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 297 triệu đồng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan Nhà nước phát hiện 1 vụ, 1 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cơ quan Công an đã thụ lý điều tra 174 vụ, 442 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 50 vụ, 168 bị can; tạm đình chỉ điều tra 5 vụ, 21 bị can; đình chỉ điều tra 2 vụ, 1 bị can; chuyển đổi tội danh khác không thuộc tội tham nhũng 1 vụ, 1 bị can; hiện đang điều tra 116 vụ, 251 bị can.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua còn có tình trạng chồng chéo cả về thời gian, nội dung trong hoạt động giữa thanh tra với kiểm toán và cả giữa thanh tra với thanh tra, đặc biệt giữa thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính. Thanh tra Chính phủ đang tìm giải pháp để khắc phục tối đa vấn đề này; theo đó cần phối hợp, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra giữa ngành Thanh tra và Kiểm toán, kế hoạch thanh tra giữa Thanh tra Chính phủ và thanh tra các Bộ, ngành, địa phương.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhận định: Chúng ta mới bước đầu ngăn chặn được tham nhũng trên một số lĩnh vực, chứ chưa đẩy lùi được tham nhũng. Mục tiêu đặt ra trong chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020 là tập trung ngăn chặn tham nhũng, từng bước tiến tới đẩy lùi tham nhũng.
Về đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Ngô Mạnh Hùng cho biết: Đứng trước yêu cầu sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, phương hướng sắp tới là chưa tiến hành phê duyệt đề án này như một đề án riêng lẻ mà đưa các nội dung cơ bản thành một chế định riêng trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tới đây. Khi Luật Phòng, chống tham nhũng được đánh giá toàn diện và sửa đổi thì nội dung đề án có thể phải điều chỉnh theo.
Về vấn đề giảm án tử hình với tội phạm về tham nhũng, ông Ngô Mạnh Hùng cho biết: Vấn đề này liên quan đến hợp tác, hội nhập quốc tế. Có những tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài nhưng nhiều nước không chấp nhận dẫn độ tội phạm với những quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình nên việc bỏ tử hình với tội phạm về tham nhũng có thể giúp Việt Nam trong việc phát hiện, truy tìm và dẫn độ đối tượng vi phạm về xử lý. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc bỏ hình phạt tử hình cũng đặt ra vấn đề về giảm tính răn đe. Vì vậy, quan điểm giảm hình phạt để tăng thu hồi tài sản, tăng khả năng phát hiện, xử lý vi phạm về tham nhũng cũng là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế nhưng cần xem xét đến bổ sung các hình phạt khác để tăng tính răn đe. Thanh tra Chính phủ đang đề xuất hình phạt mạnh tay hơn về tài sản và xem xét trách nhiệm của pháp nhân liên quan đến hành vi tham nhũng./.