Cần có biện pháp mạnh, chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng, dầu

07:38, 12/11/2015

Dư luận từng dấy lên câu hỏi ai đúng, ai sai trong vụ việc tại cửa hàng bán xăng, dầu trên phố Trần Cung, Cầu Giấy (Hà Nội). Mặc dù chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thế nhưng những nghi vấn về gian lận trong việc bán hàng tại một số điểm bán xăng, dầu đã tồn tại từ khá lâu nay.

Ngày 26/10, 1 đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội, trong đó ghi lại hình ảnh một người đàn ông chửi bới và tát nhân viên cây xăng vì nghi anh này gian lận trong quá trình bán hàng. Theo dõi trong clip, có thể thấy sau khi đổ xăng cho người đàn ông trên, nam nhân viên cây xăng đã thông báo giá là hơn một triệu cho 56 lít, với giá xăng là 18.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khi nhân viên này vừa dứt lời thì bị người đàn ông mắng chửi té tát, bởi theo người này, dung tích bình xăng của anh ta chỉ có 50 lít, do đó, nhân viên cây xăng bị nghi ngờ là đã gian lận để móc túi khách hàng. Chưa dừng lại, khi nhân viên này giải thích là không hề biết, chỉ làm nhiệm vụ đổ xăng, người đàn ông đã không thể nén nổi tức giận và tát vào mặt nam nhân viên này. Sau đó mặc dù rất bực tức, nhưng người khách vẫn phải thanh toán đúng số tiền trước khi lên xe bỏ đi. Đoạn clip trên đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận, nhận xét trong những ngày vừa qua.

 

Trước đó, có khá nhiều độc giả mạng đã lên án sự nóng nảy của người đàn ông trong clip, bởi cách hành xử tát vào mặt người bán xăng của ông ta là không thể chấp nhận được, một cử chỉ thiếu văn hóa. Thậm chí nhiều độc giả suy luận rằng người này đã vi phạm pháp luật với tội danh hành hung, xâm phạm thân thể người khác...

 

Nhân sự kiện trên, nhiều độc giả đã nêu ý kiến phản đối một số cửa hàng bán xăng, dầu có hành vi gian dối trong bán xăng dầu cho khách.

 

Ông Vũ Văn Quyết, một cán bộ hưu trí tại quận Đống Đa (Hà Nội) trao đổi, công việc hàng ngày của ông chỉ đi đón cháu và gặp gỡ một số bạn bè cùng hưu trí, lượng xăng ông sử dụng không  nhiều. Tuy nhiên, việc báo chí phanh phui ra các gian lận trong bán hàng của một số cây xăng trong thời gian qua làm ông khá bức xúc. Theo ông Quyết, hành động gian lận trong bán hàng xăng, dầu rất đáng lên án, đó là hành vi móc túi khách hàng. Đối với mỗi khách hàng vào mua xăng thì lượng tiền bị thất thoát không nhiều, thế nhưng với rất nhiều khách hàng thì là con số vô cùng lớn. Ông Quyết đề nghị cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, không thể để tình trạng này tiếp diễn.

 

Anh Lê Văn Quân, một người dân làm nghề lái xe ôm tại địa bàn phường Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, do đặc thù nghề nghiệp hay phải sử dụng mặt hàng xăng, nên việc gian lận tại một số cây xăng gây cho anh sự bức xúc. Mặc dù anh Quân đã chủ động đổ xăng tại một số cây xăng lớn của nhà nước để tránh tình trạng bơm thiếu, bơm sai số lượng, tuy vậy cũng không tránh được một số lần anh phải mua xăng tại những cây xăng bất kỳ do chở khách đi đường dài. Theo anh Quân, bình thường đồng hồ đo xăng của xe đến “vạch đỏ” thì anh đổ khoảng 55 ngàn đồng là đầy bình, nhưng đôi khi có một vài điểm đổ xăng anh Quân đã phải trả đến 70 ngàn đồng thì mới đầy. Anh cho rằng, nếu sai số của đồng hồ và dung lượng xăng còn trong bình thì cũng chỉ nằm trong khoảng 10 ngàn đồng, thế nhưng đến 15 ngàn đồng thì là “chuyện lạ”. Khi được hỏi anh giải quyết ra sao khi gặp "chuyện lạ” như vậy, anh chỉ cười và nói: "Chuyện đó cũng không thường xuyên, mình cũng chỉ biết vậy thôi!. Đâu có đồng hồ hay thiết bị gì để kiểm tra và số tiền cũng không nhiều nên thôi, sau này mình nhớ chỗ đó và không vào mua nữa là được!"

 

Theo anh Trần Hoài Nam, một lái xe hàng đường dài tuyến Bắc - Nam, tình trạng cây xăng có hành vi tiêu cực trong bán hàng là rất phổ biến trên dọc tuyến đường bộ Bắc - Nam, đa phần những cây xăng có dấu hiệu tiêu cực là cây xăng của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng với những khách hàng là xe chạy hàng như anh Nam, thì họ hầu như không dám có hành vi tiêu cực trong việc bơm xăng. Anh Nam chia sẻ: "Mình bơm thấy hao hụt là biết ngay, chạy xe hàng ngày có định lượng cả rồi. Nhưng nếu bơm chỗ cây xăng “lạ” thì cũng chỉ cãi nhau chứ làm được gì? Mình cũng đâu có biết cần gọi cho cơ quan nào ngay lúc đó, trong khi hàng hóa trên xe thì cần phải chuyển đi giao ngay cho khách...".

 

Cuối năm 2014, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt giam Trần Lê Đức - tác giả của con chíp điện tử (IC) giả gắn trên rất nhiều các cây xăng từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh để ăn bớt xăng dầu từ 4-11% khi bơm xăng bán cho khách. Kiểm tra sơ bộ, công an đã bắt quả tang 11 cây xăng của 9 doanh nghiệp gắn IC giả của Trần Lê Đức. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có rất nhiều biện pháp để phòng, chống gian lận xăng dầu, nhưng trên thực tế, các biện pháp đó chưa thực sự ngăn chặn được tệ nạn này. Tình trạng tiêu cực trong việc tiêu thụ mặt hàng này xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều hành vi khác nhau trong thời gian qua đã làm mất đi sự tin tưởng của nhiều khách hàng trong lĩnh vực này.

 

Gần đây nhất, chiều 2/11, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã đột xuất kiểm tra cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh có địa chỉ ở 185B khu phố Tân Hòa, thị xã Dĩ An. Ngay sau khi nhân viên của cửa hàng bơm xăng xong và lấy hóa đơn bán lẻ cho khách hàng, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, đo lại bằng bình tiêu chuẩn 50 lít, kết quả cho thấy với 50 lít xăng được lấy ra (theo hiển thị trên đồng hồ cây xăng) đã hụt mất khoảng 3 lít xăng, tương đương thiếu 6%. Tiến hành mở nắp để kiểm tra các trụ bơm của cây xăng này, tất cả tem niêm phong chíp IC trên hệ thống điều khiển đã không còn nguyên vẹn. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm của Cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh để củng cố hồ sơ và đề xuất biện pháp xử lý.

 

Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng gian lận, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó chú trọng vai trò "phát hiện" của mọi người dân và thông tin của các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời, cần sớm tăng cường các chế tài xử phạt hành chính đủ mạnh để đảm bảo sức dăn đe. Nếu nặng cần xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thiết nghĩ, đó chính là những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu./.