Cần xử lý nghiêm các bến thủy không phép ở khu vực Cụm cảng Đa Phúc

07:21, 23/11/2015

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên (thuộc Cảng vụ nội địa Khu vực 2 - Cục đường thủy nội địa Việt Nam), trong số 15 bến thủy nội địa đang hoạt động tại Cụm cảng nội địa Đa Phúc, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên hiện nay vẫn còn 5 bến không có giấy phép nhưng vẫn tồn tại, hoạt động, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn đường thủy, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương...

Ông Lê Mạnh Cường - Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên cho biết: Do đặc thù nhiệm vụ của cảng vụ chủ yếu là quản lý vùng nước, an toàn đường thủy trong khu vực cảng, bến, thu phí và lệ phí trọng tải, phí ra vào cảng bến nên mặc dù biết một số bến hoạt động không phép trong một thời gian dài nhưng đơn vị không đủ thẩm quyền xử phạt, đình chỉ hoạt động mà chỉ báo cáo, kiến nghị về đơn vị chủ quản là Cảng vụ nội địa Khu vực 2 để báo lại cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh - đơn vị cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn xử lý...

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: hoạt động cảng thủy nội địa vùng giáp ranh (Hà Nội - Thái Nguyên) rất phức tạp. Trước đây việc cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa do Cục đường thủy nội địa cấp phép và từ năm nay, việc cấp phép mới được giao về cho Sở Giao thông Vận tải các tỉnh. Khi rà soát, kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa tại khu vực Cụm cảng Đa Phúc, Sở đã phát hiện 7 bến thủy hoạt động không phép và đã hướng dẫn 2 doanh nghiệp các thủ tục, đầu tư các điều kiện đảm bảo hoạt động để cấp phép, 5 bến còn lại vẫn chưa xử lý được nhưng nếu phát hiện bến nào vi phạm về an toàn giao thông đường thủy thì sẽ kiến quyết xử lý. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý chủ yếu là của chính quyền địa phương...

 

Theo quan sát thực tế của phóng viên tại khu vực Cụm cảng Đa Phúc, các bến thủy nội địa không phép vẫn hoạt động khá tấp nập dù trong đợt kiểm tra vào thời điểm tháng 6/2015 của Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện không ít sai phạm của các bến này. Điển hình như bến thủy của ông Trần Văn Tâm, xóm Phú Thịnh, xã Thuận Thành hoạt động trung chuyển cát sỏi ngay chân cầu Đa Phúc - cây cầu trọng yếu trên tuyến Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy, phương tiện hoạt động trên bến không đủ điều kiện, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Hay như bến thủy của bà Trần Thị Bình cũng hoạt động ngay khu vực chân cầu Đa Phúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường thủy và an toàn đê điều...

 

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và Cảng vụ nội địa khu vực 2 cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch cảng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa tại khu vực Đa Phúc, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm xử lý, giải quyết như hiện nay./.