Danh mục phí và lệ phí có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nguồn thu của ngân sách. Vì vậy, việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với số lượng, chất lượng, dịch vụ công mà nhà nước và tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ. Nếu quan hệ này không-tương-xứng thì phí và lệ phí trở thành công cụ tận thu người dân.
Đó là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phí và lệ phí. Cũng theo các đại biểu, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết đã gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng cho sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, Luật Phí và lệ phí thông qua và ban hành sẽ sớm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành; loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết và nâng cao điều kiện sống của người dân.
Nhiều loại phí vẫn “tìm cách” chồng lên nhau!
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đưa ra quan điểm: “Phí và lệ phí phải hợp lý, không trở thành một loại thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của dân. Dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập thì phải làm sao, không thì phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công, không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí kém hiệu quả trong quản lý nhà nước và trong việc sử dụng tiền thuế của dân”.
Dẫn số liệu báo cáo của Bộ Tài chính đến tháng 4-2014 cho biết, có 131 khoản phí và lệ phí nằm ngoài danh mục quy định. Cho rằng những khoản này được xem rất vô lý đã khiến cho doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu trong suốt một khoản thời gian dài - đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chỉ rõ: “Việc lạm dụng thu phí và lệ phí đã diễn ra từ thành thị đến vùng nông thôn với nhiều khoản khác nhau”. Trong đó, riêng người nông dân đang phải gánh chịu đến 93 loại phí và lệ phí trong và ngoài danh mục quy định. Còn doanh nghiệp thì hàng ngày phải đối mặt với nhiều loại phí chính thức và không chính thức, thậm chí có tình trạng phí chồng phí làm cho doanh nghiệp phải tốn thêm nhiều khoản chi phí “hữu hình” và “vô hình”.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn: “Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong thời gian qua”. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Phí và lệ phí thì đây là một tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp. Luật này được xem là một phương tiện để tháo gỡ những rào cản mà người dân và doanh nghiệp đang vấp phải.
Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục phí và lệ phí có nêu là dự thảo luật quy định tối đa các chỉ tiêu hợp lý, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Phải bảo đảm không phát sinh thêm các khoản phí, lệ phí trong danh mục đã quy định trong luật”.
Đề nghị danh mục chi tiết phí và lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch của dự thảo luật. Các quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cần thống nhất việc ban hành và khắc phục việc ban hành tràn lan các loại phí và lệ phí như hiện nay mà nhân dân đã và đang chưa hài lòng. Đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh danh mục phí, lệ phí do Chính phủ trình.
Miễn giảm phí, lệ phí những đối tượng thuộc diện chính sách
Về miễn, giảm phí và lệ phí tại Điều 10 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, điều này quy định chung về các đối tượng được miễn, giảm phí và lệ phí, đồng thời đã giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể theo thẩm quyền và phân cấp.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phí và lệ phí thì quy định nguyên tắc và mức giảm cụ thể sẽ được cụ thể hóa tại các văn bản dưới luật do mỗi loại phí và lệ phí có tính chất, nội dung và định mức kinh tế kỹ thuật, đối tượng nộp rất khác nhau. Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng: “Dự thảo Luật hiện nay chỉ quy định chung về đối tượng được miễn giảm, việc cụ thể hóa tại các văn bản dưới luật thì dự thảo nên làm rõ đối tượng cụ thể nào được miễn các loại, nhóm phí, lệ phí nào”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, còn các đối tượng được giảm tỷ lệ và nguyên tắc giảm sẽ được quy định chi tiết tại các văn bản dưới luật như Báo cáo giải trình đã nêu, vì trên thực tế các đối tượng được miễn phí, lệ phí có mức độ biến động không cao, tương đối dễ xác định vì thế bảo đảm tính minh bạch, tính chi tiết và thiết thực của văn bản luật, đề nghị làm rõ các nội dung về miễn phí, lệ phí ngay trong luật.
Băn khoăn trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề cập đến đối tượng thuộc diện chính sách và tiếp thu nhưng chưa có quy định, chỉ mới bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn - theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nên bổ sung thêm vào Điều 10 trường hợp thuộc diện miễn giảm phí, lệ phí là những người thuộc diện chính sách, gồm những đối tượng như người không có khả năng lao động, người nhiễm chất độc da cam, người không nơi nương tựa...
Bày tỏ sự đồng tình với việc dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung về việc miễn, giảm phí và lệ phí, bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn và đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí - đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị, để Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp như quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật sẽ tạo điều kiện để dự luật có tính thực tiễn hơn, bảo đảm chính sách miễn, giảm phí, lệ phí đến được đúng đối tượng phù hợp.
Cũng thống nhất dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về miễn giảm phí, lệ phí và phân cấp cho Chính phủ và Hội đồng nhân dân thực hiện quy định miễn giảm từng loại phí cho từng đối tượng cụ thể - đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn vào dự thảo luật được miễn giảm phí và lệ phí.
Bên cạnh đó, nhất trí về việc đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí nhưng theo đại biểu Danh Út, quá trình thực hiện cần có lộ trình và giá sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách của nhà nước, tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, không gây khó khăn bất lợi cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng còn nhiều khó khăn nhất cần được quan tâm.