Những năm qua, quy mô, tính chất và số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không ngừng gia tăng, trong đó, có nhiều vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính.
Chưa đủ sức răn đe
Nói về việc xử lý tội phạm môi trường, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong. Chính vì vậy mà tội phạm môi trường ngày càng nhiều”.
Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi năm 2009 có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 đã quy định 11 tội danh về tội phạm môi trường. Mức phạt tiền trong các tội danh này cũng được quy định theo hướng tăng lên. Nhưng việc xử lý tội phạm môi trường còn hết sức khó khăn. Đến nay, chắc hẳn dư luận vẫn không thể quên vụ việc Công ty Vedan xả thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai) gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người dân tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải ra sông Thị Vải tới 50.000 m3/ngày nhưng mới chịu phạt hơn 216 triệu và bị truy thu trên 127 tỷ phí bảo vệ môi trường. Hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.
Tội phạm môi trường dù đã được đưa vào BLHS của Việt Nam từ 1999 song trong hơn 14 năm thi hành mới chỉ áp dụng chủ yếu với 2 tội danh là hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Các tội danh khác rất ít, thậm chí chưa bao giờ được sử dụng để tuyên án, trong đó có những tội rất quan trọng như tội gây ô nhiễm không khí, đưa chất thải vào Việt Nam...
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ở một khía cạnh khác, có thể nhắc đến vụ chôn lấp chất thải độc hại của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) khi bàn đến thời hiệu xử lý vi phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hành chính đối với hành vi chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hết hạn sử dụng và các chất thải nguy hại tại khu vực sản xuất của công ty đã không thể thực hiện vì hành vi này diễn ra từ năm 2009, nhưng đến năm 2013 mới bị phát hiện. Khi đó, thời hiệu xử phạt hành chính về BVMT là 2 năm thì hành vi chôn lấp thuốc BVTB hết hạn đã hết thời hiệu (qua 4 - 5 năm) do đó chỉ có thể áp dụng quy định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tương tự, những sai phạm điển hình như Công ty sửa chữa tàu biển Huyndai - Vinashin xả chất thải rắn độc hại không qua xử lý ra môi trường tại Khánh Hòa, nhà máy Miwon (Việt Trì - Phú Thọ), xả thải chưa qua xử lý ra sông Hồng, Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương xả nước thải độc hại ra sông Đồng Điền (Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh); các công ty nhập chất thải phế liệu về cảng Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng... đều không bị xử lý hình sự.
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, mỗi năm toàn lực lượng phát hiện khoảng 5.000 - 6.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục.
Cần tăng cường mức xử lý
TS Phạm Văn Beo, khoa Luật (ĐH Cần Thơ) cho biết, nguyên nhân của thực trạng nói trên, ngoài lí do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, việc xử lý vi phạm pháp luật môi trường thiếu thống nhất và chưa nghiêm minh thì việc không thể xử lý hình sự theo nhiều chuyên gia là do chính các quy định của pháp luật hình sự. Nghĩa là, hệ thống văn bản quy định còn nhiều lỗ hổng, chưa đồng bộ để đối tượng “lách luật”.
Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết. các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường hiện nay đang rất thiếu. Các khái niệm cơ bản như “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn...” lại chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng. Đó là chưa kể, không có trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thủ tục tố tụng qua nhiều khâu, được thực hiện bởi những cơ quan không chuyên nên không hiệu quả. Vì thế, đại diện Vụ Pháp chế kiến nghị cần phân loại tội phạm cũng như tăng nặng hình phạt và đa dạng hóa các loại hình phạt. Ngoài ra, cần áp dụng hình phạt đối với pháp nhân, đa dạng hóa nguồn luật, cần có hướng dẫn mức độ "nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"... cụ thể là như thế nào.
GS.TS Lê Hồng Hạnh (Hội Luật gia Việt Nam) cũng cho rằng, cần xem xét bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân. Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm hình sự của “người đứng đầu trực tiếp” của pháp nhân trong các trường hợp người này trực tiếp chỉ đạo hoặc ra các quyết định hành chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Các qui định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần được qui định trong sự hài hòa hóa với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Bảo vệ môi trường”, GS.TS Lê Hồng Hạnh đề xuất.
Ngoài ra, các chế tài hình sự cũng nên hướng vào vấn đề lợi ích theo hướng là mức phạt phải luôn cao hơn mức hưởng lợi do vi phạm. Điều này giúp luật có tác dụng răn đe và ngăn chặn vi phạm tiếp tục xảy ra, nhất là đối với các cá nhân lợi dụng việc không xử lý hình sự đối với pháp nhân để thành lập các công ty TNHH MTV nhằm trục lợi từ khai thác và hủy hoại môi trường.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, sẽ rất khó trong việc xác định thế nào là “số lượng lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, thế nào được coi là gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần có quy định cụ thể xác định rõ số lượng lớn là bao nhiêu, đặc biệt lớn là bao nhiêu tính theo khối lượng, theo dung lượng hoặc đơn vị đo lường phù hợp để tránh tình trạng không áp dụng được vào thực tế.