Nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ

10:12, 23/11/2015

Những năm qua, Tòa án Nhân dân T.P Sông Công đã nhiều lần đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Nhiều cá nhân được Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong công tác chuyên môn...

Cán bộ ít, thường xuyên biến động do luân chuyển, có thời điểm chỉ có 1-2 thẩm phán được quyền giải quyết, xét xử (3 thẩm phán hết nhiệm kỳ chờ tái bổ nhiệm) nên Tòa án Nhân dân T.P Sông Công gặp không ít khó khăn vì số lượng giải quyết các loại án nhiều, tính phức tạp ngày càng cao. Nhưng nhờ có các giải pháp chỉ đạo sát với thực tế, cộng với sự nỗ lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ nên đơn vị vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Trung bình mỗi năm, Tòa án Nhân dân T.P Sông xét xử 250 vụ việc các loại, tỷ lệ giải quyết đạt 97%, trong đó, án hình sự, hành chính đạt 100%; số án hủy, sửa đều thấp hơn so với quy định của ngành. Mỗi năm, Tòa đưa đi xét xử lưu động từ 18-20 vụ án hình sự, có hiệu quả tốt trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

 

Thẩm phán Hoàng Văn Kiên, Chánh án Tòa án Nhân dân T.P Sông Công cho biết: Đơn vị luôn quan tâm đến việc tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký để họ ngày càng tinh thông nghiệp vụ. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp sát thực chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn như nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ; chất lượng xét hỏi và điều hành, tranh tụng, đánh giá tại các phiên tòa. Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân T.P Sông Công đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng xét xử án hình sự tại đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

 

Tòa án Nhân dân T.P Sông Công thực hiện giao ban hàng tuần để nghe báo cáo, chỉ đạo giải quyết công việc. Với các vụ án nghiêm trọng, lãnh đạo đơn vị trực tiếp họp, thường xuyên cập nhật thông tin từ cán bộ phụ trách án để có hướng tháo gỡ kịp thời. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị phiên tòa của các thẩm phán, hạn chế sự sơ sài và nhiều ý kiến của quan của chủ tọa cũng được đề ra. Theo đó, yêu cầu mỗi cán bộ phải tự học để nâng cao kiến thức về kỹ năng xét hỏi, điều khiển phiên tòa khoa học. Với các thẩm phán, ngoài việc nắm kỹ các văn bản pháp luật, mỗi người cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tránh tình trạng ra quyết định không đúng pháp luật. Đối với các thư ký phải nêu cao ý thức, trách nhiệm trong ghi chép biên bản phiên tòa, tránh sự cẩu thả và sử dụng ngôn ngữ tùy tiện khi viết bản án. Từng loại án như: hình sự, dân sự, kinh tế, án hành chính, hôn nhân gia đình…, đơn vị đều có giải pháp chỉ đạo riêng để hoạt động xét xử hiệu quả. Đơn vị cũng phát động phong trào thi đua yêu nước tới các cán bộ, trong đó có phong trào sáng kiến cải tiến công việc. Đồng thời thực hiện sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ cán bộ làm việc tích cực hơn.

 

Việc nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác chuyên môn được các lãnh đạo gương mẫu làm trước. Điển hình là Thẩm phán- Phó Chánh án Hoàng Quý Sửu. Đồng chí Sửu về công tác tại Tòa án Nhân dân T.P Sông Công từ đầu năm 2014, phụ trách giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và một số công việc khác do đồng chí Chánh án đang trong thời gian đi học lớp cao cấp lý luận chính trị. Dành nhiều thời gian (kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ) để nghiên cứu kỹ hồ sơ các vụ án nên đồng chí Sửu luôn thực hiện tốt nhiệm vụ. Không ít vụ án hình sự về tai nạn giao thông, lao động, tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất… phức tạp, kéo dài từ năm 2011, 2012 đều đã được đồng chí Sửu chỉ đạo xử lý đúng pháp luật. Trên cương vị lãnh đạo, đồng chí Sửu đã chỉ đạo đơn vị thực hiện hiệu quả công tác xét xử, đề ra giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn của các thư ký phiên tòa và đội ngũ hội thẩm nhân dân.

 

Từ sự gương mẫu của lãnh đạo đơn vị, nhiều cán bộ cũng có ý thức trách nhiệm hơn với công việc như Thư ký Dương Văn Phong. Đồng chí Hoàng Văn Kiên nhận xét: Về công tác tại đơn vị từ tháng 4 năm 2014, đồng chí Phong làm nhiệm vụ thư ký giúp việc cho Chánh án trong công tác tổng hợp; thi hành án hình sự và là thư ký cho các Thẩm phán trong các phiên tòa. Ngoài ý thức nghiên cứu hồ sơ các vụ án, tham gia điều tra, xác minh các vụ án dân sự, lao động, thương mại, hành chính cùng Thẩm phán, đồng chí Phong cũng chăm chỉ bổ sung kiến thức pháp luật của mình từ các văn bản, bộ luật mới như: Hiến pháp năm 2013; dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)… và đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo đơn vị trong giải quyết công việc chuyên môn.

 

Từ việc chuyển biến tích cực trong tác phong, lề lối làm việc của mỗi cán bộ mà chất lượng công tác xét xử của Tòa án Nhân dân T.P Sông Công dần dần được nâng cao. Điển hình nhất là năm 2014, Tòa án Nhân dân T.P Sông Công đã cơ bản giải quyết xong các khiếu kiện hành chính về quản lý đất đai phức tạp, tập trung đông người (với 23 vụ/43 người) khởi kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng thi công mở rộng Quốc lộ 3 cũ đoạn qua địa bàn T.P Sông Công. Tất cả các vụ đó sau khi kháng cáo và cấp phúc thẩm đều tuyên y án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân T.P Sông Công. Hay nhiều loại án khó liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án giao thông và dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; các vụ dân sự liên quan đến khởi kiện tranh chấp tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên; những yêu cầu khởi kiện của bảo hiểm xã hội đối với số tiền nợ bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động… Đây là những vụ việc mới, có nhiều phát sinh, dẫn đến việc xử lý còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng đã được Tòa án Nhân dân T.P Sông Công giải quyết cơ bản dứt điểm.