Tăng cường vai trò của pháp luật là tất yếu khách quan khi xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Ngày pháp luật Việt Nam năm nay có chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Một nhà nước mà ở đó, quyền con người được tôn trọng và bảo vệ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố chính trị, ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo vệ trong thực tế.
Tăng cường kỷ cương phép nước là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Muốn làm được điều này thì phải kiên quyết đấu tranh chống lại những hiện tượng vi phạm pháp luật mà nổi bật là tham nhũng và buôn lậu, xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân; làm hàng giả, trốn, gian lận thuế… gây tổn thất lớn cho Nhà nước và nhân dân.
Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, về cơ chế chính sách, về quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, về công tác cán bộ… Hệ thống pháp luật có thể rất đầy đủ, hoàn thiện nhưng việc thực hiện không nghiêm thì cũng không thể nói đến sự hiện diện của nhà nước pháp quyền.
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, vai trò trách nhiệm của mọi người dân là phải tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp cũng như việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật của nước nhà. Quyền là của công dân, còn việc bảo đảm quyền đó là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cơ quan công quyền. Từ việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và thực thi pháp luật thì phải làm một cách nghiêm chỉnh để bảo đảm quyền lợi của người dân. Trên phương diện nhà nước phải thể hiện tư tưởng một nhà nước, một chính phủ phục vụ dân.
Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013, trong đó dành hẳn một chương riêng quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau khi Hiến pháp được thông qua, rất nhiều Luật đã được xây dựng và ban hành nhằm cụ thể hóa các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiến sĩ Bùi Ngọc Thanh phân tích thêm: “Trong Hiến pháp năm 2013 quyền con người được thể hiện rất đầy đủ. Quyền con người được luật hóa trong từng vấn đề. Phụ nữ có luật bình đẳng giới. Tất nhiên là luật bình đẳng giới là cho tất cả mọi người nhưng mà trong đó đảm bảo quyền của người phụ nữ. Để bảo đảm cho Hiến pháp được thực thi, cho pháp luật được tôn trọng, ngoài Hiến pháp có bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự. Trong đó nói rất rõ quyền của con người, thực hiện quyền đó như thế nào, nếu vi phạm thì xử lý ra sao”.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định, cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật với khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phải ra sức tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa, hiệu quả thi hành pháp luật. Theo bà Trần Thị Hoa Sinh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
“Khi triển khai các luật này, theo tôi ý thức của người dân là vấn đề quan trọng. Do đó cần có cơ chế để người dân tiếp cận được và có ý thức tự giác tuân thủ luật pháp, lúc đó kỷ cương pháp luật của xã hội chúng ta sẽ được tuân thủ. Đó là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, nhân ngày Pháp luật Việt Nam, tôi thấy cần tăng cường tuyên truyền nội dung, hình thức để người dân thấy được tầm quan trọng của việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh nêu ý kiến.
Trong quá trình phát triển, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật là một tất yếu khách quan và việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ được nhu cầu của cuộc sống để mọi người thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình./.