Nhiều vụ việc thi hành án tồn đọng kéo dài

09:18, 11/12/2015

 Hiện nay, ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đang thụ lý, giải quyết gần 11 nghìn vụ việc (số vụ việc chuyển tiếp từ các năm trước sang chiếm trên 50%) và số tiền phải thi hành khoảng 800 tỷ đồng. Cùng với đó là nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Khối lượng công việc này đang tạo ra áp lực lớn đối với 129 cán bộ của cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh…

Nếu đem tổng số vụ việc mà Cục THADS tỉnh và 9 Chi cục cấp huyện đang thụ lý để giải quyết chia cho 59 chấp hành viên thì mỗi chức danh tư pháp của cơ quan THADS phải giải quyết 59 vụ việc mới và 61 vụ việc cũ chuyển tiếp từ những năm trước sang. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh và 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đã liên tục được kiện toàn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn và luân chuyển, điều động cán bộ trong nội bộ ngành THADS tỉnh được quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi, chia sẻ khó khăn giữa các đơn vị (cấp tỉnh với cấp huyện và ngược lại). Đồng thời, cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh đã phát động các phong trào thi đua để động viên cán bộ trong ngành nỗ lực vươn lên. Đặc biệt là để giải quyết tối thiểu 15% số vụ việc tồn đọng và cơ bản giải quyết xong số vụ việc thụ lý mới hàng năm (đủ điều kiện thi hành), Cục THADS tỉnh và 9 Chi cục cấp huyện đã “giao khoán” số vụ việc cho 59 chấp hành viên phải giải quyết (kể cả ban lãnh đạo Chi cục cấp huyện). Đơn cử như Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Bình chỉ có 3 chấp hành viên nên mỗi người phải đảm nhận số vụ việc cụ thể ở các xã, thị trấn được phân giao (chia bình quân mỗi người phải nhận khoảng 500 vụ việc cả cũ lẫn mới ở địa bàn 7 xã). Bằng nhiều biện pháp, giải pháp khác nhau nên trong năm 2015, cơ quan THADS trong tỉnh đã giải quyết vượt 2% về việc và vượt 10% về tiền so chỉ tiêu Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) giao.

 

Tuy nhiên, kết thúc năm công tác 2015 (thời điểm kết thúc là tháng 10 hàng năm), ngành THADS tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do số vụ việc chuyển sang năm 2016 còn quá lớn (trên 3 nghìn vụ việc). Trong đó, còn lượng lớn vụ việc tồn đọng năm này qua năm khác do người phải thi hành án không có tài sản đảm bảo thi hành án hoặc không có mặt tại địa phương (đang thi hành án phạt tù tại các trại giam). Khó khăn hơn là cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh đang phải giải quyết 6 vụ việc kéo dài, phức tạp mà nguyên nhân chính lại nảy sinh từ những vướng mắc trong quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan… Đây là những vụ việc mà cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh đã thực thi bản án, quyết định có hiệu lực của toà án nhưng sau đó xảy ra khiếu kiện từ phía những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc không đồng nhất hướng giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng liên quan. Do vậy, đã xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân phải thi hành án, người có quyền lợi liên quan khiếu kiện tới nhiều cấp, vượt cấp làm gián đoạn thực thi pháp luật THADS.

 

Theo ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh thì đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn của cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh đã quá vất vả vì số vụ việc phải giải quyết còn tồn đọng và phát sinh mới ngày càng tăng. Trong khi đó, đội ngũ chấp hành viên còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn, điều kiện làm việc. Cùng với đó là việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật THADS trên địa tỉnh còn có những khó khăn nhất định… THADS hiện đang là lĩnh vực có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại của người được thi hành án và cả người bị thi hành án do hạn chế về hiểu biết pháp luật hoặc cố tình không thực hiện, có đơn thư vượt cấp nhằm kéo dài thời gian thi hành án để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ theo phát quyết của toà án. Những khó khăn nêu trên nên sớm được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm giải quyết bởi THADS là khâu cuối cùng trong quy trình tố tụng dân sự. Pháp luật chỉ nghiêm minh khi phán quyết của cơ quan toà án được cơ quan THADS thực thi đúng theo quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.