Thi hành án dân sự ở Võ Nhai: Khó càng thêm khó

11:07, 24/12/2015

Võ Nhai với đặc thù là một huyện vùng cao có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc chiếm đa số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, tài sản của người phải thi hành án (THA) không có tài sản đăng ký theo quy định hoặc có nhưng giá trị thấp nên dẫu có kê biên bán đấu giá cũng không ai mua. Đó là những nguyên nhân khiến việc THA dân sự (DS) của cơ quan THADS huyện nhiều khi rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Ông Lương Văn Chầm, xóm Chịp, xã Bình Long vay nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 18 triệu đồng và đến năm 2013 là kỳ hạn trả nợ nhưng gia đình không có khả năng thực hiện. Ngân hàng đành khởi kiện ông ra Tòa án Nhân dân huyện Võ Nhai. Tòa phán quyết ông Chầm phải trả số tiền theo quy định của pháp luật. Bản án có hiệu lực, chấp hành viên của Chi cục THADS huyện thụ lý vụ việc vào cuộc thực hiện nhiệm vụ. Như thường lệ, Chấp hành viên không ít lần đến nhà ông Chầm tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhưng ông vẫn không tự nguyện thi hành bản án. Không còn cách nào khác, Chi cục THADS huyện phải ra quyết định cưỡng chế THA. Tuy nhiên, gia đình ông chẳng có tài sản gì đáng giá. Cuối cùng, Chấp hành viên đành phải tiến hành kê biên 3 sào ruộng (trên 1.000m2) của ông Chầm. Chi cục THADS đã mời đại diện các cơ quan liên quan đến xác minh, thẩm định giá, sau đó thực hiện các quy trình để đưa số tài sản trên ra bán đấu giá. Mặc dù giá 3 sào ruộng ấy đã liên tục giảm giá đến lần thứ 7 mà vẫn chẳng một ai đến hỏi mua. Đến lúc này, cơ quan THA nhận thấy nếu tiếp tục giảm giá nữa thì dù có người mua thì số tiền bán tài sản đã kê biên ấy còn thấp hơn chi phí dành cho việc cưỡng chế THA, chứ chưa nói đến việc trả tiền cho người được THA. Bởi vậy, Chi cục THADS đã ra quyết định hoãn thi hành. Đến nay, sự việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

 

Không giống vụ việc của ông Chầm nhưng vụ việc của chị Nông Thị Kiệm trú tại xóm bản Chang, xã Nghinh Tường bị tòa án xử về tội đánh bạc từ năm 2012 cũng có nhiều vướng mắc. Bản thân chị Kiệm đã chấp hành xong án nhưng hình phạt bổ sung với số tiền 3 triệu đồng đến nay chỉ nộp được có 50%. Có được kết quả ấy là một sự nỗ lực lớn của cán bộ chi cục THA sau một quá trình kiên trì vận động, tuyên truyền. Bởi gia đình của chị Kiệm rất nghèo, không có tài sản gì đáng giá ngoài ngôi nhà bằng gỗ được dựng trên đất của bố mẹ. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế thì sẽ rất tốn kém và khó thực hiện trong khi số tiền phải THA không lớn.  

 

Chấp hành viên Lại Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng THADS huyện Võ Nhai cho biết: Những sự việc tương tự như của ông Chầm, bà Kiệm là khá phổ biến đối với huyện vùng cao Võ Nhai nên rất khó để giải quyết dứt điểm. Một đặc thù của người dân tộc sinh sống tại vùng sâu, xa ảnh hưởng không nhỏ đến việc THA nữa là họ không kê khai tài sản (chủ yếu là nhà, đất), người trong gia đình (bố, mẹ) chuyển nhượng cho con bằng miệng nên khi “động chạm” vào vô cùng phức tạp và gần như không THA được. Có trường hợp tài sản thì nhiều nhưng là đất sản xuất nông nghiệp ở vùng đồi núi xa nên dù có kê biên, bán đấu giá thì cũng chẳng ai mua. Có vụ khi bán được tài sản kê biên thì số tiền ấy có khi còn chỉ đủ chi phí cưỡng chế và 1 phần nhỏ cho người được THA.

 

Thu hồi tiền cho Nhà nước khó khăn là vậy nhưng ngay đến cả thực hiện việc trả tiền cho người dân được THA cũng vất vả không kém. Vụ án tham nhũng liên quan đến máy nông nghiệp ở xã Thượng Nung là một ví dụ điển hình. Vụ án này liên quan đến 90 hộ dân chủ yếu thuộc 2 xóm Lũng Cà, Lũng Luông. Theo đó, mỗi hộ được hoàn trả lại số tiền mà cán bộ xã đã thu đối ứng sai để được cấp máy nông nghiệp. Chi cục THADS huyện Võ Nhai đã gửi thông báo, chấp hành viên cũng đã nhiều lần đến xóm tuyên truyền, thậm chí mang tiền đến tận xã trao trả cho người dân nhưng việc “giải ngân” gặp không ít trở ngại. Lý do là họ thường xuyên đi làm nương rẫy xa nhà, không nắm được thông tin, phần vì không biết chữ, có trường hợp chủ hộ chỉ ủy quyền cho người đi lấy hộ bằng lời... Bởi vậy mà cho đến thời điểm này, việc hoàn trả tiền cho người dân vẫn không thể dứt điểm.

 

Có thể thấy, bên cạnh những khó khăn chung trong công tác THADS thì đối với huyện vùng cao Võ Nhai lại có những khó khăn đặc thù hơn như đã nêu ở trên. Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục THSDS huyện Võ Nhai chia sẻ: Tuy số lượng án ít hơn so với mặt bằng chung của tỉnh nhưng gần đây, số lượng án phải thụ lý mỗi năm tăng cao. Riêng trong năm 2015, số lượng án thụ lý mới lên tới 448 việc, tăng tới 210 việc bằng 88% (phần lớn liên quan đến 90 người được THA trong vụ án tham nhũng ở xã Thượng Nung và tội phạm đánh bạc) so với tổng thụ lý mới cùng kỳ 2014. Bởi vậy, mặc dù tỷ lệ giải quyết về việc đạt tương đối cao (94%) nhưng chỉ tiêu thực hiện về tiền chỉ đạt 82% (chỉ tiêu trên giao là 84%). Do đó, để nâng cao hiệu quả trong THADS thì ngoài việc chấp hành viên tăng cường đi cơ sở để vận động thuyết phục người phải THA và thân nhân hợp tác, tình nguyện thi hành thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân cần được đẩy mạnh. Để làm được điều này, rất cần sự tiếp tục duy trì sự lãnh đạo lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các cấp, ngành, đoàn thể đồng thời chế độ, chính sách, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức THADS ở địa phương cũng cần phải được quan tâm hơn nữa.